Trong khuôn viên sân trường, thầy trò Trường THCS và THPT Phú Tân thiết kế 2 căn nhà đơn giản, nhỏ gọn, làm nơi đựng phế liệu, chủ yếu là chai, ly nhựa, giấy… qua sử dụng. “Nhà” có mái che tránh mưa, nắng nóng làm phân hủy phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Hàng tuần, trường sinh hoạt dưới cờ và giáo viên nhắc nhở trên lớp giúp học sinh nâng cao ý thức, các loại rác thải đều được thu gom bỏ vào “ngôi nhà”. Phó Hiệu trưởng Trần Thị Nguyệt Nga cho biết, tên gọi “100 đồng” được hiểu tương đương giá trị mỗi sản phẩm rác thải bỏ ra. Tuy giá trị nhỏ nhưng tích lũy nhiều sẽ được con số đáng kể. Vì vậy, ngoài hiệu quả rèn cho học sinh tập kết nguồn phế liệu đúng nơi, theo định kỳ trường thu gom rác nhựa bán 1 lần để gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo. Nhờ vậy, mô hình càng nhân lên ý nghĩa, thu hút các em tự giác thực hiện.
Trong năm học, có hơn 1.000 học sinh tham gia bỏ rác nghiêm túc, bên cạnh ngôi nhà còn có các thùng chứa phân loại một số rác thải khác phù hợp. Bình quân 1 học kỳ, “Ngôi nhà 100 đồng” thu gom được khoảng 5.000 chai, vỏ nhựa, tạo quỹ trao học bổng cho 20 học sinh. Theo cô Nga, trong tổng số hơn 1.000 học sinh toàn trường, năm học vừa qua và năm học này, có trên 120 em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn theo phiếu điều tra, khảo sát của giáo viên. Quỹ từ “Ngôi nhà 100 đồng” được dành riêng giúp đỡ các em hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất học bổng trị giá 200.000 đồng/học kỳ. Số tiền đến nay được lũy kế kết hợp với quỹ Khuyến học của trường sẽ tiếp tục hỗ trợ các em trong những học kỳ tiếp theo.
Mô hình làm từ nguyên liệu tái chế được sử dụng trong giảng dạy trên lớp và mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” đựng rác thải nhựa gây quỹ cho học sinh khó khăn
Cùng với mô hình “Ngôi nhà 100 đồng”, Trường THCS và THPT Phú Tân phát động học sinh thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong suốt năm học. Hàng tuần, mỗi lớp sẽ có khoảng 30 em tham gia vệ sinh phòng học, khuôn viên, trồng bổ sung và chăm sóc cây xanh, hoa kiểng, tạo thêm vẻ mỹ quan, xanh mát cho trường lớp, kể cả tận dụng vỏ chai nhựa trồng một số hoa cảnh nhỏ trang trí tạo thêm điểm nhấn ở những góc các em thường sinh hoạt. Do số lượng học sinh khá đông, mỗi ngày sử dụng ly, chai nhựa rất nhiều trong ăn uống, nên trong năm nhà trường phát động thêm các đợt cao điểm khuyến khích các em thu gom rác thải nhựa đổi quà. Đặc biệt, tổ chức cuộc thi sáng tạo sản phẩm tái chế từ rác thải, mục đích giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, chống lãng phí. Tận dụng những thứ bỏ đi, các em chế tạo thành mô hình nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, tàu, không gian văn học 3 miền, đồ chơi, các tiểu cảnh, thác nước từ ống nhựa, ống hút, thậm chí thiết kế trang phục.
Những sản phẩm chất lượng được trường chọn tham gia hội thi “Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên” cấp huyện. Trong đó, khá nhiều sản phẩm được sáng tạo từ ý tưởng mô phỏng các di tích, sự kiện, cảnh quan… thu nhỏ, được tận dụng đưa vào lớp học giảng dạy trực quan cho các môn học: Lịch sử, Văn học, Hóa học… tạo hứng thú cho học sinh theo dõi.
Em Bùi Thị Thảo Vy (học sinh lớp 11C1) chia sẻ: “Ý tưởng thực hiện “Ngôi nhà 100 đồng” rất thiết thực, thay vì uống nước, ăn quà vặt xong thì vứt rác đi, chỉ bằng hành động nhỏ, các bạn góp phần tích lũy nuôi dần con số “100 đồng” để có số tiền lớn giúp đỡ bạn học khó khăn hơn. Ngoài ra, em rất thích những nội dung khác do trường phát động, như tại hội thi tái chế rác thải, nhóm của em đã thiết kế được máy hút bụi chỉ sử dụng tua-bin và ống hút nhựa, hoạt động hiệu quả như máy thông thường. Theo em, những hoạt động trường đưa ra tiếp tục thực hiện để học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác trong đời sống sinh hoạt”.
MỸ HẠNH