Ðối thoại giữa lịch sử và hiện tại

10/01/2022 - 07:42

Vở diễn Herostratus-Vụ án người đốt đền vừa được Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ là câu chuyện về một vụ án cách đây 2.500 năm, đó còn là cuộc đối thoại giữa lịch sử với hiện tại, đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm của thời đại hôm nay.

Cảnh trong vở diễn “Vụ án người đốt đền”.

Herostratus-Vụ án người đốt đền là một trong những kiệt tác của sân khấu thế giới. Vở diễn từng được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng thành công, gây được tiếng vang lớn trong những năm 80 của thế kỷ trước. Dựa trên nguyên tác của nhà viết kịch người Nga gốc Do Thái Grigori Gorin, kịch bản phóng tác của đạo diễn Lê Quý Dương tiết chế hơn về dung lượng và thời gian biểu diễn. Lời thoại ngắn gọn với những điểm nhấn chi tiết chuyển tải các thông điệp, phù hợp tâm lý và thị hiếu của khán giả đương đại.

Vở diễn đưa người xem trở lại một vụ án đã đi vào lịch sử thành bang Ephesus của thế giới cổ đại Hy Lạp để cùng suy ngẫm những vấn đề của nhân loại. Ðây là câu chuyện có thật về tên tội phạm Herostratus đã đốt đền thờ của nữ thần Artemis với dục vọng mong muốn tên tuổi của mình được muôn đời hậu thế biết đến. Từ đó đến nay, trong kho tàng nghệ thuật của thế giới, hành động đốt đền của Herostratus đã được án danh cho những kẻ cố tình phạm tội ác bằng mọi giá để có được danh tiếng. Hành vi và sự ngộ nhận về vinh quang của hắn là sự thách thức lịch sử, công lý và các giá trị nhân văn, nhưng đáng nói hơn khi có những người cũng tán dương, khao khát và không từ một thủ đoạn nào, thậm chí sẵn sàng hiến dâng thân xác để được lưu danh hậu thế giống Herostratus như phu nhân Nguyên soái thành bang là Klementin. Trong khi Nguyên soái thành bang là Tisafern âm thầm trục lợi từ Herostratus, thông đồng kẻ cho vay nặng lãi để kiếm chác, tư lợi từ bản hồi ký của kẻ đốt đền, sẵn sàng làm ngơ khi biết vợ phản bội để mọi chuyện êm đẹp, đồng thời tìm cách phế truất, hạ nhục Quan nhiếp chính Cleon chính trực chỉ vì không thỏa hiệp với cái ác.

Chuyện kịch được dẫn dắt qua nhân vật Người nhà hát đại diện cho thế hệ đương đại với những màn đối thoại cùng các nhân vật, truy vấn và luận tội đồng thời đặt ra những câu hỏi, lý giải nguyên nhân đã dẫn đến các hành vi và lối suy nghĩ lệch lạc như của Herostratus bởi đâu đó trong xã hội vẫn còn nhiều những kẻ như hắn. Ðó cũng chính là tính thời sự của vở diễn, từ lịch sử, từ quá khứ để soi rọi đến hôm nay với các vấn đề con người đang phải đối mặt. Ðạo diễn đã để nhân vật Người nhà hát đối thoại với với Herostratus từ dưới sân khấu, giữa những khán giả như để nói lên tiếng nói và suy nghĩ của họ. Luận tội kẻ đã làm sụp đổ cái đẹp, cái kỳ vĩ được xây dựng bằng biết bao công sức, trí tuệ của nhân loại từ 2.500 năm trước, nhưng trong suốt quá trình lịch sử ấy và cho đến hiện tại của thời đại văn minh, của những cuộc cách mạng công nghệ, con người vẫn loay hoay trong những truy vấn nhìn lại chính mình để tìm câu trả lời cho một thế giới tốt đẹp hơn. Ðến bao giờ cái ác, cái xấu xa mới thôi lộng hành, là nguồn cội cho những đau thương của chiến tranh, của thiên tai, của những áp bức, thao túng về quyền lực, hận thù sắc tộc và nghèo đói, bất công? Và một sự thật cảnh báo là khi xã hội vẫn dung dưỡng không ngăn chặn những lối suy nghĩ, hành động như Herostratus thì "mầm bệnh" đó, đã được gieo rắc từ hàng nghìn năm trước, sẽ còn tái sinh, lan truyền.

Là người trực tiếp thiết kế sân khấu vở Herostratus-Vụ án người đốt đền, đạo diễn Lê Quý Dương đã lựa chọn sự đơn giản, không nhiều đạo cụ hay không gian biểu diễn cầu kỳ, hoành tráng mà vẫn giúp người xem trở về được một thời thành bang cổ đại Hy Lạp. Chỉ là những khối đá vuông vức, xám xịt, được dịch chuyển nối tiếp cho các cảnh diễn, xếp chồng nhau để thể hiện không gian từng cảnh diễn, khi là cảnh đền tháp Artemis lộng lẫy và cung điện của thành bang Ephesus, lúc lại là pháp đình, hầm ngục giam giữ tăm tối, nặng nề. Những chuyển động ầm ầm của từng khối đá tăng thêm phần hiệu ứng bằng ánh sáng và âm nhạc mô tả cảnh lửa cháy và đền tháp sụp đổ sục sôi, cuồn cuộn hay hiu hắt, buồn tẻ soi qua khe nhỏ trong tiếng nhạc xa xăm như vọng về từ quá khứ. Ðạo diễn đã kỳ công xây dựng từng chuyển đoạn như vậy để dẫn tới một cái kết giàu cảm xúc cho vở diễn, hướng con người tới những điều chân-thiện-mỹ, tôn vinh cái đẹp và sức lao động sáng tạo của con người.

Ðiều thú vị là sân khấu Lệ Ngọc và đạo diễn Lê Quý Dương đã mời gọi được nhiều nghệ sĩ, diễn viên gạo cội của làng sân khấu nước nhà tham gia biểu diễn. Trở lại sàn diễn sau 35 năm, NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đã đảm nhận nổi bật vai Người nhà hát thay mặt cho thế hệ hiện tại trong những trường đoạn đối thoại với lịch sử.

Với âm điệu đài từ truyền cảm, sang trọng và lịch lãm cùng diễn xuất nhiệt huyết, ông đã để lại dấu ấn đậm nét, chuyển tải được thông điệp tư tưởng của vở diễn, thu hút và thuyết phục người xem trong những màn luận giải tưởng chừng khô khan. Hai vai diễn quan trọng mang lại thành công của vở diễn là nghệ sĩ Văn Hải và NSND Lệ Ngọc trong vai Herostratus-kẻ đốt đền và Nguyên soái phu nhân Klementin của thành bang Ephesus. Trong khi Văn Hải-Herostratus có sự ranh ma, tinh quái của con buôn, cái hãnh tiến, ngu dốt và độc ác của sự ngộ nhận thì Lệ Ngọc- Klementin cũng cho thấy đầy đủ bản chất háo danh, thủ đoạn và thâm độc để được lưu danh cùng cái xấu. Không kém phần ấn tượng trên sân khấu là các vai diễn của NSND Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam và NSND chèo Thúy Ngần trong vai Nguyên soái Tisafern của thành bang Ephesus và nữ Tư tế đền thờ Artemis hay NSƯT cải lương Hoàng Tùng trong vai bố vợ Herostratus cùng diễn viên trẻ Quang Tú vào vai Quan nhiếp chính Cleon. Tuy hoạt động ở các loại hình sân khấu khác nhau, nhưng họ đã hóa thân xuất sắc trong từng vai diễn, khắc họa rõ nét tính cách của từng nhân vật.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, vở diễn Herostratus-Vụ án người đốt đền đã làm sôi động trở lại sân khấu Thủ đô. Không những vậy, trong tháng tới, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ tiếp tục ra mắt vở Vang bóng một thời do NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng, cho thấy khả năng và nhiệt huyết của một sân khấu xã hội hóa.

Theo TIẾN CƯỜNG (Nhân Dân)