Những năm qua, nhờ phong trào xây dựng NTM và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao, trong đó đáng kể là tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và điện sinh hoạt mỗi năm đều tăng dần. Giám đốc Xí nghiệp Điện nước huyện Phú Tân Trần Nam Trung cho biết, xí nghiệp đang quản lý đồng hồ nước của 44.886 hộ/55.753 hộ toàn huyện, chiếm tỷ lệ 81%. Ngoài nước sạch do Xí nghiệp Điện nước huyện cung cấp, số hộ còn lại trên địa bàn sử dụng nước do nhiều cơ sở tư nhân cung cấp. Điển hình như: toàn xã Phú Bình đang được cấp nước bởi 1 hộ đứng ra đầu tư; xã Phú Hiệp sử dụng nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch, vệ sinh môi trường của tỉnh cấp; xã Phú Thạnh do 4 đơn vị tư nhân trên địa bàn cùng đầu tư cung cấp. Bên cạnh đó, xã Long Hòa, Phú Lâm hiện nay đang có số hộ sử dụng nước sinh hoạt đan xen giữa Xí nghiệp Điện nước huyện và cơ sở tư nhân cung cấp.
Để đảm bảo cung ứng nước sạch trên địa bàn huyện, Công ty Cổ phần Điện nước An Giang kết hợp nhiều đơn vị đầu tư và nguồn xã hội hóa triển khai xây dựng nhà máy nước tại xã Phú An, tổng kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Nhà máy này khi đưa vào vận hành sẽ cấp nước cho các hộ thuộc xã Phú An, Phú Thọ và Phú Xuân. Đặc biệt thiết thực đối với xã Phú Xuân - vốn là vùng cuối tuyến của rất nhiều hệ thống cấp nước. Ngay tại trụ sở UBND xã và chợ trung tâm có đến 4 nguồn cấp nước dẫn từ Chợ Vàm, Phú Thành, Bình Tây, Phú Hưng, nhưng đây là điểm cuối nguồn nên vào giai đoạn cao điểm nước rất yếu. Mặt khác, nhà máy nước Phú An cũ trước đây khá nhỏ, không thể mở rộng do nằm trong khu vực sạt lở, việc xây dựng nhà máy mới sẽ thay thế luôn nhà máy cũ, dự kiến hoạt động chính thức trong tháng 5, cung cấp 5.000m3/ngày đêm, giải quyết nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho nhiều xã lân cận lẫn vùng sâu.
Bên cạnh đó, nhu cầu bức thiết của người dân tại xã Phú Thạnh lâu nay chưa có nước sạch sinh hoạt hoặc không đủ nước sử dụng nay cũng đã được chính quyền quan tâm giải quyết. Đầu tháng 3, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước vách sông Cái Vừng, xã Phú Thạnh do Công ty Cổ phần điện nước An Giang làm chủ đầu tư và quản lý dự án. Tuyến ống cấp nước lắp đặt mới nằm cặp trên đường tỉnh 954, tổng chiều dài là 4.950m, tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 40%, huy động trong dân 10%, còn lại là vốn vay và vốn tự có của công ty.
Năm nay, Xí nghiệp Điện nước huyện Phú Tân tiếp tục triển khai kế hoạch cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, ưu tiên là kéo các tuyến ống nước cho các xã nông thôn mới như: Phú Hưng, Bình Thạnh Đông, Phú Thạnh và Hiệp Xương. Ông Trần Nam Trung cho biết, phương án thực hiện đã được thống nhất giữa công ty và địa phương, tuy nhiên, do giá trị tuyến ống lắp đặt lớn nên phải tổ chức đầu thầu, dự kiến triển khai cuối quý II, đầu quý III và những công trình này sẽ thực hiện xong trong năm 2019. Theo ông Trung, nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của bà con rất bức thiết do địa bàn huyện có hệ thống Bắc Vàm Nao chủ yếu phục vụ cho sản xuất, nguồn nước sông dẫn vào các con kênh thuộc các xã vùng trong hiện nay không còn đảm bảo cho sử dụng sinh hoạt.
Những năm trước, nhu cầu được sử dụng nước sạch của bà con rất bức xúc, muốn có nước uống và phục vụ nấu nướng hàng ngày phải mua nước đóng bình, hàng tháng tốn nhiều chi phí. Đến nay, hệ thống nước dần được bao phủ không chỉ đảm bảo cho đời sống người dân sinh hoạt thuận tiện mà ngay trong mùa nắng hạn cũng hạn chế tối đa tình trạng cúp nước nhờ một số nơi đã được trang bị máy phát điện. Còn những địa bàn gần trung tâm huyện như: thị trấn Phú Mỹ và các xã: Phú Hưng, Tân Hòa, Tân trung luôn đảm bảo cấp nước 100%.
MỸ HẠNH