“Tăng cường miễn dịch” trước thông tin xấu, độc

21/05/2021 - 05:30

Trong hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch thì việc sử dụng mạng xã hội là thủ đoạn phổ biến và có tính chất tinh vi nhất hiện nay. Các thế lực thù địch lợi dụng sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram… để phục vụ các ý đồ, mục đích chống phá.

Tăng cường tuyên truyền trong giới trẻ về vị trí, tầm quan trọng của Internet để khai thác, sử dụng hợp lý, hợp pháp

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Theo báo cáo Digital 2020 của We are social, Việt Nam có 96,9 triệu dân thì số lượng thuê bao di động là 145,8 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước); số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số), có 65 triệu người dùng mạng xã hội (tỷ lệ 67% dân số)… Việc sử dụng Internet mang đến nhiều tiện ích, kết nối mọi người ở mọi vùng miền, quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau để tương tác, chia sẻ những thông tin hữu ích phục vụ cuộc sống. Và mặt trái của vấn đề chính là việc nhiều kẻ xấu, cơ hội chính trị lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc, lan truyền thông tin xấu, độc với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

Chúng đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức… nhằm làm phức tạp tình hình. Thậm chí tinh vi hơn, chúng trích dẫn, đăng tải các thông tin chính thống, nhưng khéo léo cắt dán, lồng vào đó một vài thông tin giả, qua đó suy luận, hướng lái dư luận theo chiều hướng xấu. Điều này dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận.

Đơn cử là các thế lực lợi dụng tình hình chính trị bất ổn tại Myanmar để hướng lái dư luận tiêu cực, xuyên tạc Quân đội nhân dân Việt Nam, qua đó cổ xúy phi chính trị hóa quân đội, tung hô quân đội các nước TBCN. Các thế lực thù địch lợi dụng tình hình phức tạp của Myanmar để kích động, hô hào (đặc biệt là kêu gọi giới trẻ) xuống đường biểu tình, thể hiện tinh thần “yêu nước”, đấu tranh vì “dân chủ”.

Để chống phá công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực chống phá điên cuồng xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử; bịa đặt, tung tin sai sự thật về công tác nhân sự; xuyên tạc các hội nghị hiệp thương “chỉ là để thu hút sự chú ý của dư luận”, xuyên tạc hoạt động tiếp xúc cử tri, phát động, cổ xúy phong trào “không biết, không bầu”… 

Điều 4, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”… Điều 69, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước”…

Điều 115, Hiến pháp 2013 quy định: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo”… Do đó, những xuyên tạc đánh giá phiến diện, một chiều, quy chụp của các thế lực chống phá là hết sức phi lý.

Để phòng ngừa, ngăn chặn thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng, cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và sự tỉnh táo cần thiết khi tham gia mạng xã hội. Phải thực hiện nhất quán chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy xây để chống”.

Đặc biệt, nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chú trọng đẩy mạnh giáo dục cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, về vị trí, tầm quan trọng và tính 2 mặt của Internet để khai thác, sử dụng hợp lý, hợp pháp. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm,  thích đáng hơn nữa đối với việc lợi dụng mạng xã hội thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận...

HỮU HUYNH