“Ốc lên phố!”
Chúng tôi tìm về huyện đầu nguồn An Phú thời điểm bà con nơi đây chộn rộn với nghề lể ốc. Ghé nhà ông Nguyễn Văn Tiết (Hai Tiết, ngụ xã Vĩnh Hội Đông) mới cảm nhận hết không khí náo nhiệt ở vùng quê. Đi qua mùa lũ nhiều năm, chưa năm nào chúng tôi chứng kiến cảnh lể ốc ở đây đông đúc đến vậy.
Vào mùa nước nổi, huyện đầu nguồn này nhận được lượng lớn thủy sản do thiên nhiên ban tặng, trong đó con ốc đồng chiếm sản lượng “khủng”. Ngoài nguồn ốc đồng bản địa, khu vực đầu nguồn còn được người dân ở Campuchia chở ốc sang cân bán cho tiểu thương. Nhiều nơi, còn hình thành xóm buôn ốc đồng sôi động và độc đáo.
Theo những lão nông, vài năm trước, vùng biên giới An Phú có người bán ốc chợ. Dần dà, ốc được tiêu thụ mạnh tại các thị trường lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương… nên nhiều gia đình đã gắn bó với nghề này, từ từ hình thành nên “xóm ốc”.
Bà con bên con ốc đồng
Ốc chả được dân thành thị rất mê, bởi thịt dai ngon, bổ dưỡng. Còn ốc bươu, ốc lác nguyên con thì các quán ăn chế biến món hấp tiêu, hấp sả. Vào mùa nước nổi, con ốc ăn các loại thủy sinh trên đồng lũ nên thịt rất ngon và bổ dưỡng. |
Là người tiên phong đưa con ốc từ miệt đồng “bưng biền” trở thành món ngon đặc sản, tính đến nay, Hai Tiết đã gắn bó với nghề lể ốc trên 20 năm. Thuở ban đầu, Hai Tiết chỉ là “gã” giăng lưới, móc câu. Nhưng cái duyên “đẩy đưa”, Hai Tiết đến với nghề này quá bất ngờ.
Anh Hai Tiết bồi hồi nhớ lại: “Gia đình tui sống bằng nghề hạ bạc trên đồng. Trong một lần, thấy người dân bắt ốc nhiều quá, tui mới nghĩ ra ý tưởng thu mua, rồi mang ra chợ bán. Nhưng thật tình cờ, có một thương lái thu mua ốc ở TP. Hồ Chí Minh chạy xe tải tới hỏi tui nơi nào có bán ốc đồng. Nắm bắt cơ hội, tui nhận lời thu gom và huy động bà con lối xóm lể ốc thịt cân cho tiểu thương cho tới nay”.
Tâm sự với Hai Tiết khá lâu, lúc này chiếc bếp củi “khủng” đã bắt lửa mạnh, cháy ngùn ngụt, xua tan cái lạnh mùa gió bấc. Khi nước trong chảo vừa “sôi tim”, Hai Tiếc dùng chiếc vợt đảo đều để con ốc bong tróc lớp mài. Sau đó, anh nhanh tay xúc ốc ra từng sọt, rồi phân cho bà con.
“Lể xong mỗi sọt (tương đương 10kg ốc), người làm công được trả 8.000 đồng. Mỗi buổi sáng, một người lể khoảng 20 sọt ốc, kiếm ngót nghét 160.000 đồng. Người nào làm giỏi thì thu nhập trên 200.000 đồng/buổi” - Hai Tiết hì hục xúc ốc chia sẻ.
Sàng ốc phân loại lớn, nhỏ
Trời về trưa, sức nóng hầm hập của chiếc bếp củi xộc lên rất khó chịu, vậy mà “tập đoàn” lể ốc vẫn rất hăng say làm việc. Cảnh khuân vác ốc kết hợp với tiếng bỏ vỏ ốc vào bao khua lộp cộp, cộng hưởng với tiếng cười nói huyên thuyên của bà con, làm vui nhộn cả xóm nghèo trong mùa gió bấc.
Lể hàng chục tấn ốc mỗi ngày
Thuở trước, con ốc đồng cỡ lớn nhiều vô kể, là thực phẩm dành cho dân nghèo cơ cực. Theo thời gian, loài giáp xác này “bò” lên phố và trở thành món đặc sản có trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng. Nhờ con ốc “lên hương” đã tạo sinh kế cho nhiều bà con nghèo vùng biên giới mỗi khi lũ về.
Lão nông Đinh Văn Bạc (71 tuổi, anh rể của Hai Tiết) kể rằng, 30 năm trước, mỗi khi lũ về, loài ốc sinh sản đầy đồng nhưng ít người ăn. “Dạo đó, tui khai thác cá lô, nếu bắt dính ốc toàn đổ bỏ. Có người mang về bằm cho cá tra, cá chim ăn. Nguồn cá thiên nhiên dần ít, người ta quay lại tìm ốc để ăn” - ông Bạc cười khà.
Khi lũ rút, bà con nông dân dùng thuốc diệt ốc vì sợ chúng ăn lúa mạ non. Mùa khô, nông dân cày ruộng gặp chúng chui rút sâu dưới lớp đất. Chờ mưa xuống thì ngoi lên sinh sản. “Giờ đây, con ốc đồng đã trở thành cứu cánh cho dân nghèo chúng tôi. Gia đình tui vào nghề buôn ốc, lể ốc ngót nghét 10 năm. Mỗi ngày, vựa của tui thuê tới 30 người ngồi lể ốc cân cho thương lái” - ông Bạc trần tình.
Xúc ốc trong chảo chia ra cho nhân công lể
Nhờ nghề lể ốc đồng mà gia đình ông Nguyễn Văn Thành (67 tuổi) kiếm được “đồng ra, đồng vô” mỗi ngày. Mùa lũ là thời điểm gia đình ông Thành thu nhập khá hơn. “Ngày trước, thương lái TP. Hồ Chí Minh thu mua ốc trong mùa lũ. Bây giờ, họ thu mua quanh năm. Đến cận Tết, nguồn ốc khan hiếm. Có ốc bao nhiêu, họ thu mua hết bấy nhiêu. Nhờ con ốc đồng mà gia đình tui sống khỏe!” - ông Thành tâm sự.
Những ngày cao điểm, gia đình ông Thành lể gần 10 tấn ốc các loại. Ban đầu, ông Thành lể thuê cho người ta. Về sau, làm ăn được, ông Thành mạnh dạn mở thêm vựa thu mua ốc đồng, rồi thuê nhân công cùng lể ốc thịt với các thành viên trong gia đình. Nghề lể ốc trở thành “cần câu cơm” của gia đình, con ông Thành bỏ phố về quê sống bằng nghề lể ốc cùng gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mai (47 tuổi, con gái lớn của ông Thành) trở thành “nữ chủ tướng” của “tập đoàn” lể ốc. Chị Mai “chỉ huy” hơn 50 người lể ốc mỗi ngày, thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/buổi/nhân công (tùy lể ốc ít hay nhiều).
Chị Mai bày tỏ: “Hồi trước, tui làm ở tỉnh Bình Dương, nhận lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nhưng tiền trọ, điện nước… hơn 3 triệu đồng. Làm hoài mà không dư… Ở quê, nhà cửa ấm êm, gạo, cá phong phú và rẻ. Do đó, mình an tâm mần, nhưng thu nhập khá, tích cóp hàng tháng dư khoảng 5-6 triệu đồng”. Những người thân của chị Mai lần lượt đã bỏ phố về quê theo nghề lể ốc và có thu nhập ổn định, không còn phải lo chuyện thiếu trước, hụt sau.
Chị Mai chấm công lể ốc
Mỗi buổi sáng, trên các cánh đồng biên giới, có hàng trăm người đi bắt ốc, tập kết về cân cho thương lái tại các chợ quê. Ốc được phân thành 2 loại. Loại nhỏ, cân cho các thương lái thu mua làm thức ăn chăn nuôi thủy sản. Loại lớn, bạn hàng biên giới mua lại lể ốc thịt, ốc chả hoặc bán cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. Ốc đồng được thương lái đem về chế biến thành ốc chả hoặc ốc thịt đóng gói theo quy trình và bán ở các chợ, siêu thị.
Giờ đây, không ai ngờ con ốc đồng trở thành món ăn đặc sản trứ danh. Cũng chính loài giáp xác này đã giải quyết việc làm cho đông đảo bà con, tạo nên bức tranh quê trù phú trong mùa nước nổi.
Hiện nay, ốc lác, ốc bươu, ốc bươu vàng… được tiểu thương thu mua nguyên con, giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg (tùy loại). Ốc được lể thành phẩm, thương lái thu mua 30.000 - 35.000 đồng/kg, ốc nguyên con loại lớn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. |
THÀNH CHINH