“Tay cầm bán nguyệt xênh xang…”

26/01/2020 - 03:41

 - Từ trung tâm TP. Hà Nội, chúng tôi ngồi tình tang trên xe bus rồi taxi, vượt quãng đường 45km để đến Đường Lâm (TX. Sơn Tây) - làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (ngày 19-5-2006). Khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy ngõ làng, bức tường gạch rêu phong, mái đình cổ kính, chúng tôi hiểu rằng mình sẽ có những giây phút trải nghiệm thú vị.

Cô gái cắt cỏ hóa thành Bà chúa Mía

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đình Mông Phụ, ngôi đình uy nghi ở giữa làng. Rất may mắn khi chúng tôi được tiếp chuyện với cụ Giang Vĩnh Phúc (77 tuổi, thủ từ). “Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Muôn vàn ngọn cỏ lay hàng tay ta” - cụ nhấp ly trà ấm, đọc đôi câu thơ, gợi mở nhiều điều thú vị trong buổi sáng cuối thu. Đó là câu chuyện dài về lịch sử của ngôi làng, về những phong tục, tập quán, những tự hào của bao thế hệ người dân nơi đây...

Đình Mông Phụ, niềm tự hào của người dân địa phương

Lời kể của cụ đưa chúng tôi về một làng quê nghèo khó, một làng Việt cổ đại diện cho nền văn minh Châu Thổ sông Hồng, ngày xưa dân gian vẫn gọi là Kẻ Mía. Tên “Mông Phụ” được lý giải: khi khai thiên lập địa, có 2 quả đồi Mông Sơn và Khúc Phụ, sau được ghép lại thành tên làng. Tương truyền rằng, cô gái Nguyễn Thị Ngọc Dong đi cắt cỏ, cầm chiếc liềm cong cong, cất lời hát “bán nguyệt xênh xang”. Chúa Trịnh Tráng đi trên đường, bất chợt nghe thấy, liền bảo: “Người này sẽ lay chuyển tình thế đây!”, nên xuống ngựa gặp và đem lòng sủng ái cô gái Mía xinh đẹp. Hai tháng sau, cô gái trở thành Chánh phi, chúa Trịnh Tráng trở thành con rể của Đường Lâm. Hiểu nỗi cơ cực, nghèo khó của người quê mình, bà có lời với chúa Trịnh Tráng, xin được mở làng nghề: bánh chưng, bánh gai, kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam... Thế nhưng, khi nhà nào cũng làm được bánh kẹo, lại vướng đầu ra, vì lượng hàng quá nhiều, không thể tiêu thụ hết. Bà xin được mở chợ. Từ đó, chợ Mía hình thành. Dân vẫn còn nghèo, bà xin mở bến đò Mía, đi qua sông Hồng. Vĩnh Phúc, Vĩnh Tường, Sơn Tây… ùn ùn lấy hàng của Đường Lâm. Sau 40 năm, làng quê này trở nên giàu “nứt đố đổ vách”.

Và cô gái cắt cỏ năm nào đã trở thành Bà chúa Mía, là “cây đại thụ tỏa bóng mát” cho người dân, được thờ cúng trang trọng trong làng.

Nét đặc sắc của miền đất 2 vua

Thật hiếm có một làng Việt cổ nào đặc sắc về di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên như Đường Lâm. Theo Nguyễn Thị Kim Dung (Tiếng vọng miền đất Hai Vua), Đường Lâm cùng mấy vùng lân cận có rất nhiều địa danh được lưu truyền trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh (thời Hùng Vương). Thời Hai Bà Trưng, làng Mía (Nam Nguyễn) là quê ngoại của bà. Làng có 2 vị vua (Phùng Hưng và Ngô Quyền), 12 quan đầu triều Đinh, Lê, Lý, Trần (Giang Văn Minh, Kiều Oánh Mậu, Phan Kế Toại, Hà Kế Tân, Phan Kế An, Đỗ Doãn Chính…). Đây cũng là nơi chứa đựng mật độ cao các di tích được xếp hạng: đền Phùng Hưng, đền lăng Ngô Quyền, chùa Mía, nhà thờ họ Giang, đình Mông Phụ…

Những pho tượng tuyệt đẹp trong chùa Mía

 Điển hình như đình Mông Phụ, niềm tự hào của người dân địa phương. Đình có kiểu dáng chữ Đinh, quy mô to lớn, hoành tráng, chạm khắc tinh xảo, với 3 gian, 2 chái, 6 hàng chân, 48 cột. Người dân trong làng tự đánh gỗ kéo về, tự tay chạm khắc, xây dựng nên đình. Trong đình còn giữ 18 đạo sắc phong, trong đó đạo sắc phong niên hiệu đời vua Thần Tông hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 3 (1660) là cổ nhất. Ngày 20-5-1991, đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trên đỉnh nóc mái đình có một đôi “Lưỡng long hí nguyệt” (2 rồng chầu mặt trăng) uốn lượn theo mái đình cong cong mềm mại. Bên trong, những bức phù điêu khắc họa tiết hoa văn độc đáo “Mẫu long huấn tử” (Rồng mẹ dạy con) “Lục long tranh châu”, “Long vân hội tụ”... Sân đình cái ngoài cao hơn cái trong, bởi đình ngự trên đầu một con rồng, hai giếng 2 bên là mắt rồng, các cụ ngày trước không dám nâng sân trong cho bằng sân ngoài, mà giữ nguyên địa thế vốn có. Mưa xuống, nước chảy vào, đọng lại một lượng nước nhất định rồi tỏa sang 2 bên (thế thủy tụ), để “đắc địa sinh nhân”, “địa linh nhân kiệt”.

Trong khi đó, nằm gần chợ quê người qua kẻ lại, chùa Mía vẫn giữ được nét thâm trầm, u huyền trong không gian đặc quánh uy nghiêm. Từ cây đa cổ thụ hàng trăm năm, quả chuông cổ được đúc năm 1745, chiếc khánh đồng đúc năm 1846, lối đi lát gạch cổ, lấm tấm rêu xanh, đến 287 pho tượng lớn nhỏ không hề trùng lặp kiểu dáng, biểu cảm.

Đường Lâm - một miền đồi gầy gộc đá ong

Ở nơi đây có rất nhiều giếng, mỗi xóm có một giếng riêng biệt: xóm Sui (“Sui” mang nghĩa “cộng lại”) có giếng Sui, xóm Giang có giếng Giang… Thành giếng là những phiến đá ong to, dày khoảng 40-50cm, rộng hình nửa vòng cung. Mọi người hay bảo nhau, giếng Sui là râu rồng chính, nên ở xóm có đông người và sinh được nhiều con trai, ăn nên làm ra. Trời ban thổ nhưỡng rất đặc thù: “Nước giếng Giang, khoai lang Đồng Bường, muối vừng Án Độ, khoai sọ Lồ Cang”. Nước giếng dùng để làm tương, nấu chè hàng ngày, đem lại hương vị đặc biệt chẳng nơi nào có, kể cả khi được tiết lộ công thức. Dần dần, như một nét văn hóa thú vị, muốn biết một ấm chè ngon hay không, khách sẽ hỏi chủ nhà: giếng nước nhà bác có ngon không? Vợ bác đun nước có sôi không? Ấm chén có sạch sẽ không? Cuối cùng mới hỏi đến “chè có ngon không?”.

Một giếng cổ đặc trưng ở làng

Nét đặc sắc ở làng cổ Đường Lâm còn đến từ 10 ngôi nhà cổ (được xếp hạng di tích) trong làng. Điển hình như nhà cổ ông Kiều Anh Ban, được xây dựng năm 1750, có kiến trúc hình chữ môn. Bắt đầu là cổng được lợp ngói ri, cánh cổng gỗ lim, then xoay “con chấy”, sân gạch Bát Tràng. Ngôi nhà chính nhìn hướng Đông Bắc, được xây dựng theo kiểu nhà ngói “Đại khoa”, gồm 5 gian, 2 dĩ, kết cấu gỗ, lợp ngói ri, 1 tầng 2 mái chảy, bờ nóc để trơn, khung nhà gỗ có nhiều mảng chạm sống động. Căn nhà được giới nghiên cứu đánh giá là giữ lại được nguyên gốc, là một công trình kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu, được nhà nước xếp hạng di tích năm 2007.

Thương nhớ Đường Lâm

Chỉ lưu lại một buổi sáng, nhưng những người trẻ chúng tôi được học nhiều bài học quý giá trong cuộc sống. Đó là phải có kiến thức “nền”, chịu khó tìm hiểu về văn hóa, về mỗi nơi đang đến, không chỉ đơn thuần là đi dạo một vòng “check-in” để chứng tỏ “tôi đã đặt chân đến nơi đây”.

Khi chúng tôi đang mải mê chụp ảnh những chi tiết chạm trổ trong đình Mông Phụ, cụ Giang Vĩnh Phúc đã chủ động đến hỏi: “Các cháu có biết con rồng được chạm khắc trên đấy thuộc thời nào không?”.

Nghe câu trả lời đúng của bạn tôi, cụ cười khà: “Hãy nhớ: khi chụp ảnh cái “tách”, trong vật thể cháu đã chụp ẩn chứa giá trị phi vật thể. Cháu phải biết nó là gì thì tấm ảnh mới có giá trị. Không ít khách đến, cứ chặc lưỡi bảo “Đường Lâm chả có gì”.

Đó là vì họ không tìm người trò chuyện, chứ có rất nhiều điều về ngôi làng này, chúng tôi hầu chuyện cả ngày cũng không hết. Tùy theo khách, chúng tôi chọn chuyện mà kể, phù hợp với hiểu biết và nhu cầu của họ.

Nhưng trong thâm tâm, người Đường Lâm rất mong du khách khi đến đây phải có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp... bởi chỉ người có văn hóa mới tiếp cận được với những giá trị quý giá của Đường Lâm”.

Tác giả trò chuyện cùng cụ Giang Vĩnh Phúc

Cuộc trò chuyện cùng cụ Giang Vĩnh Phúc, cụ Lê Huy Vân - và rất nhiều người dân chúng tôi vô tình gặp được ở làng cổ - ẩn chứa một bài học sâu sắc: dù đi đâu, làm gì, ở vị trí nào trong xã hội, trình độ văn hóa khác nhau, vẫn phải luôn giữ được ngọn lửa ấm hướng về quê cha đất tổ, phải hiểu rõ và yêu quý gốc tích xứ sở mình. Trong lòng mỗi người dân nơi đây, ai nấy đều tự hào vì được sinh ra, lớn lên và góp phần gìn giữ nét truyền thống của làng.

Họ thích “khoe” chuyện làng, chuyện Bà chúa Mía, chuyện giếng nước sân đình, chuyện nhà trăm tuổi… để khách phương xa mang những câu chuyện ấy ra khỏi ngõ làng, đi năm châu bốn bể, quảng bá nét văn hóa tinh hoa của người Việt đến quốc tế. Chúng tôi cũng đang muốn làm điều ấy, bằng cách góp nhặt câu chữ, thương nhớ về Đường Lâm.

GIA LẠC