“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

26/10/2021 - 06:08

 - Từ thời điểm này, An Giang chính thức bước vào giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện “mục tiêu kép”, đưa cả tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Không còn áp dụng phiếu đi chợ

Sở Công thương An Giang cho biết, tính đến sáng 25-10, toàn tỉnh có 8 chợ, 1 cửa hàng tạm dừng hoạt động để thực hiện truy vết. Mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ, chợ đầu mối, chợ truyền thống trong tỉnh đã được phép hoạt động trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc, toàn tỉnh không còn áp dụng “phiếu đi chợ” cho hộ gia đình nữa (trừ địa bàn thuộc cấp độ 4 áp dụng phát phiếu đi chợ 3 lần/tuần), người dân có thể mua sắm, đi chợ theo nhu cầu cá nhân.

Tuy nhiên, ở các đầu ra, vào chợ, địa phương vẫn bố trí cán bộ trực, kiểm soát tình hình, nhắc nhở người dân rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. Đặc biệt, rà soát, kiểm tra trường hợp được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, người khỏi bệnh COVID-19, có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ (theo Quyết định 2434/QĐ-UBND).

"Gia đình tôi kinh doanh ăn uống, không áp dụng phiếu đi chợ nữa thì tôi thuận tiện hơn, hết nguyên liệu nấu nướng lúc nào thì chạy ra chợ lúc đó. Nhưng tôi vẫn giữ thói quen trong thời gian giãn cách, tức là tranh thủ mua đầy đủ trong 1 lần đi chợ, hạn chế đi nhiều lần…” - bà Lê Thị Hiền (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Đề xuất khôi phục một phần hoạt động giao thông - vận tải

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Phú Tân thông tin: “Ngày 24-10, Sở GTVT ban hành Công văn 2355/SGTVT-QLVTPT&NL, hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải và lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh thực hiện theo hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định 1812/QĐ-BGTVT, ngày 16-10-2021 của Bộ GTVT; Kế hoạch 650/KH-UBND, ngày 20-10-2021 của UBND tỉnh; đồng thời tuân thủ việc yêu cầu người dân không ra đường từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 1218/UBND-KGVX, ngày 23-10-2021”.

Luôn luôn thực hiện thông điệp “5K”

Tỉnh An Giang có 166 tuyến vận tải hành khách đi và đến 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo cập nhật đến ngày 22-10, 23 tỉnh, thành phố này đều có cấp độ dịch được công bố là cấp 1 và 2. Do đó, Sở GTVT dự kiến tổ chức hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định đến các tỉnh, thành phố, hoạt động từ 10% đến không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được Sở GTVT công bố (số chuyến/tháng), đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn tạm thời ban hành kèm theo Quyết định 1812/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT.

Đối với xe hợp đồng không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách, xe du lịch, chỉ được hoạt động phục vụ chương trình du lịch do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức; theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế; đoàn công tác của sở, ngành, UBND các cấp; vận chuyển người lao động về làm việc tại khu công nghiệp (với điều kiện phải có văn bản của chính quyền cấp huyện nơi xuất phát).

Việc ra, vào tỉnh đã được quy định cụ thể

Theo Kế hoạch 650/KH-UBND, ngày 20-10-2021 của UBND tỉnh An Giang, việc lưu thông của người dân đã được quy định cụ thể. Trong đó, đáng lưu ý là người từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 1 và 2 được đi lại bình thường, không kèm theo điều kiện gì khác. Tỉnh chỉ quy định đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1).

Những trường hợp này, nếu đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (“thẻ xanh” trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19), trước khi về An Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ thời điểm xét nghiệm). Người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1.

Nếu tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19, trước khi về An Giang, ngoài kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, còn phải tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương. Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, ngoài việc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phải cách ly tập trung 14 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 1, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Người đến/về từ địa phương có mức độ dịch ở cấp 3 cần đáp ứng yêu cầu: tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng. Trường hợp tiêm chưa đủ liều, chưa tiêm vaccine bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ (kể từ thời điểm xét nghiệm); khai báo y tế và thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tại Chốt kiểm soát Vàm Cống, việc kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó chú trọng kiểm soát người đến/về từ địa phương thuộc cấp độ 3 và 4. “Hiện giờ, khi qua lại chốt, chúng tôi chỉ cần xuất trình “thẻ xanh” vaccine, giấy xét nghiệm âm tính và khai báo y tế là được. Nếu giấy xét nghiệm hết thời hạn thì được cho test tại khu vực chốt. Nhìn chung, điều này tạo thuận tiện cho chúng tôi, không mất thời gian và phiền phức như trước nữa” - ông P. (một người lao động có nhu cầu ra vào tỉnh An Giang hàng ngày) chia sẻ.

Như vậy, người dân có thể đi lại trong và ngoài tỉnh theo nhu cầu công việc, cá nhân, chỉ cần xác định rõ nơi đi và nơi đến của bản thân thuộc cấp độ nào (minh chứng thông qua giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận tiêm ngừa COVID-19…); thực hiện thông điệp “5K” và khai báo y tế đầy đủ, trung thực (bằng cách quét mã QR-Code hoặc khai báo giấy).

Tuy nhiên, tùy theo diễn biến của dịch bệnh, việc xác định cấp độ, nguy cơ ở từng địa phương sẽ được thay đổi bất cứ lúc nào. Do đó, mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp... cần trang bị tư duy thích ứng linh hoạt, theo dõi sát quy định của địa phương để thực hiện đầy đủ, chính xác.

GIA KHÁNH