“Thịnh vượng và phát triển - Quyết chí ắt làm nên”

13/11/2020 - 07:21

Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Trong bối cảnh mới ngày nay, trước muôn vàn khó khăn thách thức và vận hội mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mượn 4 câu thơ của Bác để bày tỏ sự quyết tâm của cả nước: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Thịnh vượng và phát triển/ Quyết chí ắt làm nên” (tại phiên giải trình và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 10-11).

Sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả sẽ tạo nên chiến thắng

Nhìn nhận toàn cục đất nước, Thủ tướng khẳng định, từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, những thử thách lớn chưa từng thấy đã xuất hiện: đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, tất cả đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Tạp chí The Economist tháng 8-2020 xếp Việt Nam trong “top 16” nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; Ngân hàng thế giới xếp Việt Nam nằm trong “top 10” quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.

Có một bộ phận tỏ ra hoài nghi về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Những con số Thủ tướng đưa ra, đã góp phần bác bỏ hoài nghi ấy: hơn 4 năm qua, Việt Nam tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Năng suất lao động của nền kinh tế tăng 5,8%/năm (so với 4,3% giai đoạn trước đây). Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua). Tầng lớp trung lưu Việt Nam hiện xấp xỉ dân số của một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong nhóm “4 con hổ Châu Á” cộng lại và đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

“Những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả một chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một “Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ. Mọi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng và an ninh, là thành quả và quyết tâm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của gần 100 triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Nhân dân luôn là trung tâm trong mọi hoạch định chính sách, quyết nghị của chúng ta. “Ý Đảng - lòng Dân” chính là kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để chúng ta vững bước tiến lên” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn thẳng vào thực tế, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế. Mà thách thức lớn nhất chính là “thiếu ý chí vươn lên”; nguy cơ lớn nhất là “thiếu quyết tâm hành động”. Thế nhưng, lật lại lịch sử, tổ tiên chúng ta từ thời các Vua Hùng dựng nước, trải qua bao triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê… cho đến thời đại Hồ Chí Minh, đã đương đầu với vô vàn thử thách. Ông cha ta từ việc chinh phục được những vùng đất dữ, rừng thiêng nước độc, chế ngự thiên nhiên, đến việc đẩy lùi ách xâm lăng của các thế lực phong kiến, rồi đến sự đô hộ của thực dân, đế quốc; không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua!

Trước các chất vấn và kiến nghị của nhiều tầng lớp nhân dân, Chính phủ hứa sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh. Đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả  hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Đồng thời, triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; trong đó tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn; kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết; lựa chọn một số dự án ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Những ấp ủ, khát khao của người đứng đầu Chính phủ cũng chính là của tất cả người Việt: “Chúng ta có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực. Chúng ta không còn những vùng đất hoang để khai phá như tổ tiên, nhưng vẫn còn những bầu trời lớn, những vùng biển sâu, những lĩnh vực mới đang chờ được khám phá, những câu chuyện thành công ly kỳ. Đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Trước hết là tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta”.

T.M