Nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển; sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội một cách nhanh chóng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Trong đó, có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em, như: Sự tác động của thông tin, truyền thông, văn hóa phẩm, trò chơi bạo lực; vấn đề an toàn trên môi trường mạng; áp lực về tâm lý và kinh tế trong đời sống gia đình, xã hội… Từ đó, dẫn đến nguy cơ cao nảy sinh tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em với nhiều hình thức phức tạp.
Dương Thị Kiều Xuân (lớp 9A1) và Phạm Quốc Anh (lớp 8A2, Trường THCS Hùng Vương) quan tâm đến vấn nạn xâm hại trẻ em liên tục xảy ra, trong khi trẻ chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự phòng tránh. “Chúng em muốn được diễn giả trao đổi, thông tin rõ: Hành vi nào mang tính chất xâm hại trẻ em; ai có trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, tin tố giác hành vi này; mức xử phạt vi phạm hành chính; giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn đối tượng vi phạm. Một băn khoăn khác là khi trẻ em mắc lỗi, cha mẹ có quyền đánh đập hay trừng phạt trẻ không?” - các em đặt câu hỏi.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử
Trường THCS Mỹ Thới lại thảo luận sôi nổi về chủ đề “bạo lực học đường”. Đại diện cho học sinh nhà trường, em Huỳnh Minh Tuệ (lớp 6A6) và Nguyễn Thị Thanh Thùy (lớp 8A2) phân tích sâu thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của vấn nạn này. “Đây là chủ đề chúng em rất tâm đắc, nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các bạn trong trường. Qua tìm hiểu chủ đề này, chúng em quyết tâm hỗ trợ các bạn là nạn nhân của bạo lực học đường, bằng cách gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn để tìm hiểu nguyên nhân; báo vụ việc đến giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, người dân xung quanh trường… để kịp thời can ngăn, giải quyết” - Minh Tuệ bày tỏ.
Tại diễn đàn, đại diện học sinh và diễn giả (Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Phòng Văn hóa - Thông tin, Thành đoàn, Công an thành phố) còn trao đổi sâu về việc sử dụng mạng Internet thông minh, phòng tránh lao động trẻ em, tệ nạn xã hội. Các em được nghe những lời khuyên dễ hiểu, dễ nhớ từ các diễn giả, như: Đừng sử dụng điện thoại di động quá lâu, dễ ảnh hưởng đến xương khớp, thị lực. Nếu không muốn mùa hè trôi qua bằng những ngày học thêm căng thẳng, hãy mạnh dạn bày tỏ với phụ huynh, chọn lựa khóa học hè phù hợp sở thích, kỹ năng của bản thân. Nếu gia đình gặp khó khăn về tài chính, buộc các em phải lao động sớm, lao động ngoài giờ học, hãy lên tiếng để được hỗ trợ, giúp đỡ...
Lãnh đạo địa phương, ngành chuyên môn tham dự diễn đàn
Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều nhấn mạnh, diễn đàn là dịp để cùng trao đổi trực tiếp với học sinh, làm rõ thực trạng, nguyên nhân các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đồng thời, phân tích vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong việc ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, xác định giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả phối hợp của các ngành, các cấp khi tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn thành phố thời gian tới. Sau khi kết thúc diễn đàn, đề nghị các đơn vị, UBND phường, xã xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực để trẻ em được học tập, sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
“Có thể nói, diễn đàn là một trong những hoạt động khá hiệu quả, nhằm tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đảm bảo việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề trẻ em, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em, tạo môi trường giúp trẻ em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất thiết thực trong học tập, vui chơi, giải trí… hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em” - đồng chí Võ Thị Xuân Kiều nhấn mạnh.
Diễn đàn đã kết thúc, nhưng lại mở ra nhiều vấn đề thiết thực, góc nhìn rộng hơn cho tổ chức, cá nhân phụ trách công tác trẻ em. Sau diễn đàn, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chương trình hành động cụ thể, khả thi để trẻ em trên địa bàn thành phố được học tập, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TP. Long Xuyên chưa phát hiện vụ việc xâm hại liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, đường dây nóng Tổng đài quốc gia 111 về bảo vệ, chăm sóc trẻ em tiếp nhận thông tin tố giác một vài trường hợp bạo hành, đánh con trong lúc dạy dỗ… Những thông tin này được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp UBND phường, xã xác minh, phản hồi về tổng đài. Ngoài ra, có 2 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở phường Đông Xuyên và Mỹ Xuyên. Các bé đã được nhận nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội theo quy định.
|
GIA KHÁNH