“Từng giờ, từng phút, tôi luôn luôn nghĩ đến miền Nam…”

19/08/2022 - 06:43

 - Những năm đầu thế kỷ XX, Tôn Đức Thắng rời quê hương An Giang lên Sài Gòn học việc và làm thợ. Để rồi từ đó, sau những hoạt động yêu nước đầu tiên, Người lựa chọn và đi theo chí hướng: Từ người thợ, trưởng thành trong phong trào công nhân, trở thành người cộng sản, dấn thân và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng 30 năm xa cách, người con của Nam Bộ thành đồng ấy luôn canh cánh khôn nguôi nỗi nhớ miền Nam.

“Bác Tôn rời quê hương ở cù lao Ông Hổ (tỉnh Long Xuyên) lên Sài Gòn vì lúc bấy giờ nền công nghiệp ở tỉnh lẻ chưa phát triển. Bác Tôn thấy tự mình phải đi tìm cái văn minh, tìm xem giai cấp công nhân là thế nào và mong muốn đưa đất nước này, dân tộc này tiến bộ văn minh, để có 1 nền kinh tế tốt thì phải có nền công nghiệp như thế nào cho phù hợp…” - thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Ký khẳng định.

Trong những ngày Bắc đêm Nam, Bác Tôn luôn luôn hướng về mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” và Sài Gòn với nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi. Là người con Nam Bộ, thường trực trong Bác luôn dành tình cảm sâu nặng với quê hương, Bác viết: “Trong từng giờ, từng phút, tôi luôn luôn nghĩ đến miền Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, đang bị bọn đế quốc và bọn tay sai tàn phá... Tôi muốn được sát cánh với đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu” và “nhiều lần đề nghị với Bác Hồ, với Trung ương cho trở về chiến trường để cùng với đồng chí, đồng bào Nam Bộ tham gia kháng chiến”.

Bác Tôn vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất

Bác yêu miền Nam thế nào, thì miền Nam yêu Bác thế ấy. Tại kỳ họp thứ 11 (từ ngày 18 đến 31/12/1959), Quốc hội khóa I thông qua một số nghị quyết để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa II, trong đó có “Nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ngày 6/1/1946”.

Bác Tôn khi ấy là Trưởng ban Thường trực Quốc hội bày tỏ: “Điều này làm cho nhân dân miền Nam cũng như chúng tôi - đại biểu của miền Nam - cảm thấy sung sướng và cảm động vì đồng bào miền Nam có đại diện trong Quốc hội mới… Xin hứa, chúng tôi sẽ cố gắng làm nhiệm vụ để khỏi phụ lòng tin của đồng bào miền Nam và đồng bào toàn quốc”.

Khi Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa II (tháng 7/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chúc mừng: “Toàn thể Quốc hội nhất trí bầu Cụ làm Phó Chủ tịch nước tức là đồng bào miền Nam đều bầu Cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng nước ta nhất định thống nhất”.

Trưng bày chuyên đề “Bác Tôn với miền Nam”

Không thể về quê hương trực tiếp chiến đấu, Bác Tôn ngày đêm suy nghĩ, góp sức cùng Trung ương chỉ đạo cách mạng miền Nam. “Từng buổi, từng ngày theo dõi tình hình ở miền Nam quê hương, tôi tiếc không được sát cánh kề vai cùng anh chị em trong cuộc đấu tranh ngùn ngụt dầu sôi, lửa bỏng này… Tôi cảm phục sự hy sinh cao cả và tinh thần đấu tranh dũng cảm của đồng bào miền Nam… Trong cuộc đấu tranh cho hòa bình thống nhất của dân tộc, Bắc và Nam là hai khúc ruột liền nhau” - Bác Tôn đã từng bày tỏ như thế.

Và Bác đã thỏa nguyện khi chứng kiến ngày quê hương yên bình. Trong lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn ngày 15/5/1975, Bác Tôn vui mừng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, nước nhà hoàn toàn giải phóng, miền Nam không còn bóng một tên giặc xâm lược nữa, nhân dân hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình, hòa bình đã được lập lại trong độc lập và tự do…”.

Khi có đoàn công tác của miền Nam ra gặp gỡ, Bác Tôn nhờ họ chuyển lời: “Đề nghị đồng chí, đề nghị đoàn về báo cáo lại với Xứ ủy và với đồng bào Nam Bộ rằng, Tôn Đức Thắng là người con của nhân dân Nam Bộ, lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào Nam Bộ, nghĩ tới xứ sở mình đã sinh ra và đã từng hoạt động”, “Bác xa quê hương, gia đình đã lâu, hôm nay gặp lại các cháu như một gia đình đoàn tụ, chưa bao giờ Bác thấy sung sướng như lúc này”.

Các em học sinh tham quan ngôi nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn. Ảnh: THANH HÙNG

Rồi cuối cùng, ngày Bác Tôn được trở về quê đã đến. Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vũ Đình Liệu kể lại: “8 giờ sáng ngày 6/12/1975, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang và chúng tôi đưa Bác về thăm cù lao Ông Hổ, nơi Bác sinh ra và lớn lên. Qua cầu Hoàng Diệu, Bác nói, khi Bác còn đi học, đây là cây cầu sắt lót ván, bây giờ là cây cầu xi-măng vĩnh cửu thật tốt quá.

Khi xuống tới bến tàu để đi tàu qua cù lao Ông Hổ, Bác nói: “Bến tàu này trước kia nó hẳm chớ không lài như bây giờ”. Ngôi nhà của Bác là nhà sàn, nên phải có cầu thang để lên. Bác bước lên một số bậc, rồi ngồi xuống và nói với chúng tôi: “Hồi còn nhỏ, đi học về tôi thích ngồi ở các bậc này để nghỉ, hít thở không khí trong lành, trước khi bước lên nhà. Tôi còn nhớ, lúc tôi đã đi hoạt động cách mạng, có một lần về nhà lúc gần tối, tôi cũng ngồi ở bậc này, không ngờ có một tên chỉ điểm đi ngang nhìn thấy tôi. Tôi vội vàng đi ngay, chỉ kịp từ giã vợ tôi rồi đi đến nay mấy chục năm mới trở về, để ngồi trên các bậc này một cách công khai”…”.  

Lần về thăm nhà vỏn vẹn 45 phút của Bác, quê hương An Giang mãi mãi ghi nhớ hình ảnh Bác trong bộ quần áo bạc màu giản dị, với yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa, người đón vì “sợ hao phí tiền của và công sức của nhà nước và nhân dân”.

Trong hồi ký của mình, ông Lê Hữu Lập (thư ký của Bác Tôn) kể lại: “Sang năm 1980, bệnh không thuyên giảm, sức khỏe kém thêm. Bác nhớ nhiều về quê hương, Bác bảo bố trí cho Bác về Long Xuyên. Bác nói: Long Xuyên là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi rất nhớ Long Xuyên”. Cả cuộc đời mình, tình cảm của Bác Tôn đối với miền Nam và miền Nam đối với Bác Tôn không chỉ là tình cảm của lãnh tụ đối với nhân dân, của nhân dân đối với lãnh tụ, mà còn là tình cảm thiêng liêng của một người con đối với quê hương, đất nước!

VẠN LỘC