“Về nghe mẹ ru, về nghe em hát…”

02/12/2021 - 05:46

 - Chưa một lần gặp mặt cậu ruột Phạm Văn Minh (sinh năm 1951, hy sinh ngày 1-1-1973), ông Đặng Văn Sơn (sinh năm 1968, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) chỉ biết mang máng về cậu qua lời kể của bà ngoại và mẹ. Thời chiến, cuộc sống khó khăn, chẳng có bức ảnh nào để ông biết mặt cậu. Mãi đến nay, ông mới được đón cậu “trở về”, kết thúc mấy mươi năm đằng đẵng trông tin.

Con trai lớn đi bộ đội, cách nhà không xa, nên bà Lê Thị Bảy (bà ngoại ông Sơn) vẫn có dịp gặp con. Thi thoảng, ông Minh trở về thăm nhà, chỉ ngồi trò chuyện giây lát rồi tiếp tục chia tay. Chiến tranh mà, được gặp vậy quý lắm rồi, bà không mong gì hơn. Ngoài 20 tuổi, ông Minh được giữ chức vụ Trung đội phó, Đại đội Quân báo tỉnh Long Châu Hà.

Đầu năm 1973, bà bàng hoàng nhận tin, Minh hy sinh ở đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), bởi pháo kích khi đang ngồi làm việc. Nén nỗi đau như trăm ngàn bà mẹ thời chiến khác, bà đưa tiễn con trai an nghỉ. Nơi chôn cất liệt sĩ Minh được đánh dấu bằng đặc điểm địa hình, bằng ấn tượng khắc sâu trong trí nhớ của bà. Những tháng ngày ác liệt nối tiếp nhau, hòa bình lập lại, bà tham gia công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Ông Sơn thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Minh tại nhà

Có điều kiện rồi, bà định cải táng hài cốt, đưa con về gần nhà. Nhưng trớ trêu thay, cảnh vật xung quanh thay đổi, rừng núi hóa ruộng rẫy, người dân cải tạo đất trồng trọt. Bà bị mất phương hướng, mất luôn dấu tích nơi con trai yên nghỉ. Hàng chục năm, bà lặn lội đi tìm con, nhờ đồng đội, nhờ người thân quen hỗ trợ. Chẳng có gì đau xót hơn việc biết khu vực chôn cất con, nhưng đào bới mãi vẫn chưa chạm thấy hài cốt.

Tuổi càng cao, hy vọng càng mong manh trong lòng bà. Sợ rằng, đến lúc trăm tuổi, bà vẫn chưa thể tìm thấy liệt sĩ Minh. Trong một lần đi tìm, bà dắt ông Sơn theo. Ông chỉ mới 15, 16 tuổi, nhưng kịp nhớ rõ ngoại dặn mộ của cậu nằm ở khu vực này. Mỗi năm đến ngày giỗ cậu, ông thấy ngoại đong đầy nỗi niềm. Dần dần, bà ngoại ủy quyền cho ông thờ cúng liệt sĩ Minh, thay ngoại hoàn thành tâm nguyện dang dở. Đến lúc mất, bà vẫn đau đáu nhớ thương đứa con trai nằm đâu đó ngoài kia, chưa kịp trở về.

“Trách nhiệm của con cháu là thờ cúng, tưởng nhớ ông bà, người lớn trong gia đình. Tôi nhớ lời ngoại dặn, nên tiếp tục đi tìm hài cốt của cậu. Biết Đội K93 chuyên đi tìm hài cốt liệt sĩ, có được những gì, tôi trình bày hết, nhờ các anh hỗ trợ. Chờ đợi mãi, cuối cùng gia đình đã nhận được tin vui. Sau khi bàn bạc với các dì, chúng tôi thống nhất để cậu an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (huyện Tịnh Biên) cho gần gũi, tiện bề cúng viếng” - ông Sơn bày tỏ.

“Từ thông tin ban đầu gia đình cung cấp, Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) thu thập thêm chỉ dẫn từ các chú cựu chiến binh, phân tích kỹ dữ liệu quan trọng rồi tổ chức lực lượng đào tìm. Tìm chỗ này không có, chúng tôi mở rộng khu vực xung quanh. Sau nhiều lần như thế, hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Minh đã được tìm thấy, với bộ quần áo, hài cốt nguyên vẹn. Để chắc chắn hơn, chúng tôi nhờ ông Sơn đến khu vực, xác nhận phương hướng cho đến khi khẳng định mọi thông tin đều trùng khớp” - thượng tá Nguyễn Văn Xuyên (Phó Đội trưởng Đội K93, người trực tiếp tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Minh) chia sẻ.

Tình hình dịch bệnh khiến kế hoạch tổ chức lễ truy điệu, cải táng hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên chiến trường Campuchia và trong nước của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh không thể thực hiện vào dịp 27-7 năm nay. Mãi đến cuối tháng 11 này, buổi lễ mới được diễn ra. Trong 54 bộ hài cốt được cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc hôm ấy, chỉ duy nhất hài cốt của liệt sĩ Phạm Văn Minh được xác định danh tính.

Hôm trước lễ, gia đình ông Sơn tất bật chuẩn bị nhang đèn, trái cây và mấy món ăn. Kết thúc lễ, ông Sơn lặng lẽ thả từng nắm đất vào huyệt, bày đồ ăn ra cúng, rót mấy ly rượu, khấn vái người cậu ruột lần đầu tiên “gặp gỡ”: “Cầu mong cậu yên lòng khi được gặp gỡ, sum họp cùng đồng đội đã khuất…”. Gần 50 năm nằm xuống, giờ đây, liệt sĩ Phạm Văn Minh đã có thể an yên nơi cõi vĩnh hằng, “về nghe mẹ ru, về nghe em hát”...

Thế nhưng, nhiều hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, ở đâu đó dưới lòng đất trên mọi miền Tổ quốc và Vương quốc Campuchia. Đó là nỗi đau, sự trăn trở khôn nguôi của Đảng, nhà nước và nhân dân ta, như tâm tình của gia đình ông Sơn trước ngày tìm thấy hài cốt liệt sĩ.

Bên cạnh đó, còn bao nhiêu phần mộ khuyết danh, chưa thể trả lại tên cho liệt sĩ! “Xin hương hồn các liệt sĩ hãy xem tỉnh An Giang là nơi đất tốt, hiền hòa; bia mộ các anh sẽ mãi được ghi danh, gắn liền với quê hương An Giang. Các anh đã hy sinh thân mình để góp phần làm cho đất nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất; dân tộc bạn hồi sinh và tình hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bày tỏ trong điếu văn truy điệu các liệt sĩ.

Ban Chỉ huy Đội K93 mong người dân và cựu chiến binh có thông tin về mộ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ (đã được quy tập) liên hệ với Đội. Số điện thoại đơn vị 02963.876.120; Đội trưởng, đại tá Nguyễn Quốc Thông: 0918.370.835; Chính trị viên, thượng tá Lê Đắc Thoa: 0918.584.015.

GIA KHÁNH