Hình minh họa hạt virus Ảnh: Deseret News
Các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp đã tìm thấy 13 virus cổ đại bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.
Theo trang Science Alert, mẫu cổ nhất mà họ phát hiện là một loại virus amip 48.500 năm tuổi – được đặt tên là Pandoravirus yedoma, theo tên "chiếc hộp Pandora" trong thần thoại Hy Lạp – đã bị đóng băng dưới một hồ nước ở Siberia.
Virus zombie là gì?
Virus amip cổ đại mới được các nhà nghiên cứu khai quật đang được gọi là “virus zombie” (virus xác sống).
Nghiên cứu mô tả "virus zombie" là “những loại virus không hoạt động từ thời tiền sử,” nhưng sau đó đã được hồi sinh khi đưa khỏi lớp băng vĩnh cửu.
Trong trường hợp này, những virus amip, vốn không hoạt động trong gần 50.000 năm, đã được các nhà nghiên cứu hồi sinh, khiến nó trở thành "virus zombie".
Virus zombie có phải là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng không?
Theo nghiên cứu chưa được bình duyệt nói trên, virus zombie có thể trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khi biến đổi khí hậu dẫn đến băng vĩnh cửu tan chảy và giải phóng vi sinh vật đã bị đóng băng hàng nghìn năm này.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các loại virus đã biết được giải phóng từ lớp băng vĩnh cửu cổ đại có thể bị chống lại bằng thuốc kháng sinh hiện có, nhưng “tình hình sẽ thảm khốc hơn nhiều trong trường hợp các bệnh thực vật, động vật hoặc con người gây ra bởi sự hồi sinh của một loại virus cổ đại chưa biết.”
“Do đó, có khả năng lớp băng vĩnh cửu cổ đại sẽ giải phóng những loại virus chưa biết này khi tan băng,” nghiên cứu viết.
Lớp băng vĩnh cửu tan do biến đổi khí hậu đã giải phóng những virus được lưu trữ từ hàng nghìn năm. Ảnh: NDTV
Mức độ lây nhiễm của những virus zombie này khi được phát tán vẫn chưa được biết, nhưng nguy cơ lây nhiễm có thể “tăng lên trong bối cảnh trái đất nóng lên khi băng vĩnh cửu tan băng sẽ tiếp tục tăng tốc”.
Đại dịch tiếp theo có thể xuất hiện từ các sông băng tan chảy?
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B cho thấy virus cổ đại bị đóng băng tồn tại trong các sông băng có thể là một nguyên nhân gây lo ngại, vì các tảng băng tan chảy sẽ cho phép mầm bệnh thoát ra ngoài,
Khi băng tan chảy, giải phóng những sinh vật bị mắc kẹt dưới lớp băng hàng nghìn năm, chúng sẵn sàng bước vào thế giới ngày nay.
Bối cảnh đó có vẻ giống như một bộ phim kinh dị nhưng có một số sự thật - đặc biệt là trong trường hợp virus bị đóng băng trong sông băng. Xét đến hiện tượng băng tan, là sản phẩm trực tiếp của biến đổi khí hậu, những loại virus cổ xưa này gây ra những mối đe dọa nào đối với cuộc sống con người?
Biến đổi khí hậu và virus
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, các nhà nghiên cứu đã phân tích đất và trầm tích hồ của Hồ Hazen, một hồ nước ngọt ở Canada, phía bắc Vòng Bắc Cực, để nghiên cứu “nguy cơ lây lan” khi vi rút có thể tiếp tục lây nhiễm và lây truyền một cách bền vững.
Các mẫu sau đó được phân tích DNA và RNA của chúng để khớp chúng với các sinh vật sống đã biết.
Theo tờ The Guardian, nghiên cứu cho thấy nguy cơ lan tỏa cao hơn ở những khu vực thường rò rỉ nước băng tan, nhưng mức độ nóng lên toàn cầu hiện nay có thể khiến tình trạng này xảy ra phổ biến.
Công việc của các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nhằm xác định khả năng của các loại virus cổ đại.
Một nghiên cứu khác từ năm ngoái, do tác giả và nhà vi sinh học Zhi-Ping Zhong, từ Đại học Bang Ohio, Mỹ, đứng đầu, cho biết: “Tan chảy băng không chỉ dẫn đến việc mất đi những vi khuẩn và virus cổ xưa được lưu trữ mà còn giải phóng chúng ra môi trường trong tương lai”.
Nhưng điều đó liệu có nghĩa là biến đổi khí hậu có thể “mời gọi” một đại dịch khác? Không chính xác như vậy. Như nghiên cứu lưu ý, “đánh giá rủi ro lan tỏa” không giống như dự đoán đại dịch. “Miễn là virus và ‘vectơ cầu nối’ của chúng không xuất hiện đồng thời trong môi trường, thì khả năng xảy ra các sự kiện kịch tính có thể vẫn còn thấp”.
“Nhưng khi biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi phạm vi và sự phân bố của các loài, các cơ hội mới có thể xuất hiện, mang đến các vật trung gian có thể làm trung gian cho sự lan truyền của virus.”
Nghiên cứu khác nói gì?
Năm ngoái, một nghiên cứu đã xác định được 33 loại virus đã 15.000 năm tuổi và có nguồn gốc từ chỏm băng Guliya của Cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc.
Chuyên gia Zhi-Ping cho biết trong một thông cáo báo chí: “Những sông băng này được hình thành dần dần, cùng với bụi và khí, rất nhiều virus cũng được tích tụ trong lớp băng đó”.
Trong khi đó, nhà vi trùng học Matthew Sullivan của Đại học Bang Ohio, Mỹ lưu ý rằng những loại virus này “có thể phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt” có “các gien giúp chúng lây nhiễm các tế bào trong môi trường lạnh - chỉ là những dấu hiệu di truyền siêu thực về cách virus có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt”.
Một nghiên cứu khác từ năm 2014 đã tìm cách hồi sinh một loại virus đã không hoạt động trong 30.000 năm và có nguồn gốc từ Siberia.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)