Sáng 2-11-2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Chủ tịch nước trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, nghe các Báo cáo thuyết minh, Báo cáo thẩm tra và tiến hành thảo luận tổ về nội dung này. Ảnh: TTXVN
1. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Ngày 12-11-2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ được thực thi từ năm 2019. Hiệp định là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
2. Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội
Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động tác động tới kinh tế Việt Nam. GDP dự kiến tăng trưởng hơn 6,8%; xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 6,89 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 19,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; cả nước đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế... Đây là năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.
Cảng Đình Vũ là cảng biển đầu tiên tại Hải Phòng có đủ điều kiện kỹ thuật cho phép tàu trọng tải 2 vạn tấn ra vào làm hàng, phù hợp với Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc định hướng đến năm 2020. Ảnh: An Đăng/TTXVN
3. Ban hành Nghị quyết nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh
Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành ngày 22-10-2018. Mục tiêu của Nghị quyết là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp từ 65 - 70% GDP. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
4. Phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”
Ngày 20-11-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Việc phát động phong trào này nhằm khuyến khích đội ngũ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và phương thức quản trị hiện đại để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, chinh phục thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Đây cũng là bước đi trong lộ trình xây dựng thương hiệu Việt chất lượng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
5. Ba mươi năm thu hút đầu tư nước ngoài
Dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử, nhựa tại Công ty TNHH Yokoi Muold Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản, tại khu công nghiệp Đình Trám(Bắc Giang). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Năm 2018 đánh dấu sự kiện tròn 30 năm Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dự kiến tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã thu hút 27.353 dự án FDI của 130 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 340,1 tỷ USD. Hiện khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo ra 8,5 triệu việc làm.
6. Thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Ngày 30-9-2018, tại Hà Nội, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt, tiếp quản 19 đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ủy ban sẽ quản lý trên 1 triệu tỷ đồng tổng vốn chủ sở hữu Nhà nước và 2,3 triệu tỷ đồng tổng giá trị tài sản từ các đơn vị, chiếm tới 2/3 tổng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
7. Xét xử hàng loạt đại án kinh tế
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Xây lắp dầu khí; Ngân hàng Ocean Bank; Ngân hàng Đông Á; Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) đánh bạc nghìn tỷ qua mạng đã được đưa ra xét xử trong năm 2018. Đối tượng sai phạm dù là cán bộ cấp cao hay doanh nhân đều bị xử lý nghiêm minh. Điều này thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch trong phát triển kinh tế - xã hội.
8. Tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên bế mạc WEF ASEAN 2018. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu với 60 phiên thảo luận hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng. Diễn đàn được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất từ trước đến nay ở khu vực Đông Á trong 27 năm qua.
9. Việt Nam lần đầu tiên ra mắt xe ô tô thương hiệu Việt
Mẫu xe SUV có thiết kế sang trọng Lux SA 2.0 được trưng bày trong lễ ra mắt 4 mẫu xe VinFast của Tập đoàn Vingroup, chiều 20-11-2018, tại Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Ngày 2-10-2018, lần đầu tiên Việt Nam có hai thương hiệu ôtô được giới thiệu tại Paris Motor Show 2018 -Triển lãm ôtô danh giá nhất thế giới. Hai mẫu xe của VinFast đã được tổ chức ôtô hàng đầu châu Âu Autobest vinh danh là “Ngôi sao mới” của ngành công nghiệp thế giới. Sự kiện đã giúp điền tên Việt Nam lên bản đồ công nghiệp chế tạo ôtô toàn cầu.
10. Sản xuất thành công vaccine lở mồm long móng
Lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành. Với thành công này, giá thành vaccine bước đầu cũng sẽ giảm khoảng 20% so với sản phẩm nhập khẩu, giúp người chăn nuôi và ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm.
Theo TTXVN/Báo Tin tức