Không chỉ hỗ trợ bạn trong cuộc sống và giúp bạn vui vẻ hơn, tình bạn còn có rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe.
AA
1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột qụy
Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người cô đơn và thiếu sự hỗ trợ về mặt tinh thần có nhiều khả năng bị bệnh tim và đột quỵ hơn. Vì thế, hãy dành nhiều thời gain hơn cho bạn bè cho dù bạn có bận rộn đến đâu.
2. Kéo dài tuổi thọ
Các nghiên cứu cho thấy, nếu nói về sự ảnh hưởng đến tuổi thọ, cô đơn tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Một nghiên cứu khác về hành vi xã hội sinh học của con người cho thấy rằng, các mối quan hệ bạn trải qua ở lứa tuổi đôi mươi, có thể phản ánh chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bạn. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, chất lượng của tình bạn, chứ không phải số lượng, mới là điều quan trọng nhất.
3. Giảm tốc độ suy giảm trí nhớ
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cô đơn làm tăng tốc độ suy giảm nhận thức ở người cao tuổi, một số nghiên cứu thậm chí còn liên kết sự cô đơn với chứng mất trí nhớ. Không có bằng chứng rõ ràng về việc thiếu tiếp xúc xã hội hay cảm giác cô đơn ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức nhưng các nghiên cứu gựoi ý rằng bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào, đều có thể nhận được các lợi ích thật sự từ việc giao tiếp với người họ yêu quý.
4. Thúc đẩy sự sáng tạo
Bạn có phải người luôn đặt các câu hỏi cho bạn bè và yêu cầu họ cho ý kiến về công việc cũng như ý tưởng nào đó của bạn? Nghiên cứu đã cho thấy những người hỏi ý kiến người khác thường sáng tạo trong công việc hơn những người làm việc một mình. Giao tiếp truyền cảm hứng cho mọi người đến những ý tưởng và giải pháp mới lạ. Vì vậy, hãy trao đổi với mọi người càng nhiều, càng thường xuyên thì càng tốt.
5. Giảm bớt cảm giác đau
Thời gian dường như trôi nhanh khi bạn ở bên cạnh những người bạn thân, bất kể các bạn nói về những vấn đề quan trọng, hay chỉ là những câu chuyện vu vơ, tầm phào. Những phát hiện đáng ngạc nhiên ở những người bị đau mãn tính và đau sau chấn thương cho thấy tiếng cười có thể giúp ngưỡng chịu đau của họ tăng thêm một phần. Vì thế, một cuộc nói chuyện vui vẻ với bạn bè có thể coi là biện pháp trị liệu.
6. Chống lại căng thẳng
Các nghiên cứu cho thấy những người trải qua stress và các chấn thương tinh thần ít có khả năng phát triển bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương nếu có được hỗ trợ tốt về mặt tâm lý. Lợi ích này có tác dụng tương tự với hàng loạt các loại chấn thương như chấn thương do mất mát người thân, bị tấn công, sống sót trong các tình huống đe dọa đến tính mạng, hay chấn thương trải qua khi tham gia vào các trận chiến quân sự.
7. Tiên lượng tốt hơn đối với một số loại bệnh ung thư
Mặc dù khó có thể nói khía cạnh nào của hỗ trợ xã hội giúp ích nhiều nhất cho những người gặp khủng hoảng về sức khỏe, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhận thức về việc mình được hỗ trợ giúp ích cho quá trình phục hồi, nhất là ở bệnh nhân ung thư vú. “Nhận thức” ở đây, nghĩa là một người cảm thấy họ đang được hỗ trợ, bất kể số lượng hỗ trợ thực tế như thế nào, vẫn sẽ có ảnh hưởng đến bệnh tích cực hơn những người cảm thấy cô đơn.
8. Tăng khả năng miễn dịch
Giao tiếp xã hội có thể có lợi cho hệ thống miễn dịch của bạn. Một số nghiên cứu cho thấy sự liên hệ giữa sự tái phát một số bệnh mãn tính với cảm giác kết nối cùng bạn bè hoặc người thân. Ví dụ, bệnh nhân bị nhiễm virus herpes có nhiều khả năng tái phát khi họ thấy mình không được hỗ trợ.
9. Hỗ trợ bệnh trầm cảm
Tình bạn rất cần thiết đối với những người mắc bệnh trầm cảm, vì họ rất khó tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, đây cũng là những người cần đến hỗ trợ xã hội nhiều nhất. Các triệu chứng bệnh trầm cảm như thiếu động lực, thiếu hứng thú và năng lượng, nhận thức tiêu cực về môi trường xung quanh,... vô tình dẫn tới cuộc sống ẩn dật, cách biệt với mọi người xung quanh. Giao tiếp xã hội chính là chìa khóa giúp các bệnh nhận trầm cảm để thúc đẩy họ có cuộc sống hoạt động xã hội phong phú hơn.
10. Giảm huyết áp
Lợi ích cuối cùng của tình bạn đó là việc giao tiếp nhiều với bạn bè có thể giúp làm giảm huyết áp. Nghiên cứu đề cập đến bất kì khía cạnh giao tiếp nào của đời sống xã hội, cả ở nhà lẫn nơi làm việc. Và nghiên cứu cũng nói rằng, “nhận thức” của bệnh nhân, quan trọng hơn “thực tế”.
Theo HỮU NGUYÊN (Dân Trí)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: