200 năm kênh Vĩnh Tế: Ba đợt khơi đào, thông dòng Vĩnh Tế

30/08/2024 - 05:23

 - Suốt 200 năm đầy thăng trầm cùng thời cuộc, kênh Vĩnh Tế vẫn miệt mài đưa dòng nước ngọt từ sông Châu Đốc băng qua vùng biên viễn để hòa vào lòng biển Tây Nam. Thế hệ hôm nay mãi nhớ ơn những bậc tiền nhân đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để kênh Vĩnh Tế thông dòng trấn thủ biên cương, chấn hưng bờ cõi.

Như đã nói, kênh Thoại Hà ra đời năm 1818 có ý nghĩa to lớn trong quá trình bảo vệ và phát triển vùng đất Nam Bộ. Công trình này là sự kết hợp của việc nạo vét và đào mới đoạn kênh trong điều kiện kỹ thuật thô sơ nơi rừng thiêng nước độc.

Kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình này đã góp phần quan trọng vào công tác tổ chức quản lý và kỹ thuật đào mới, nạo vét các con kênh mang tính chiến lược về quốc phòng và giao thông lúc bấy giờ trên khắp vùng Nam Bộ, như: Kênh An Thông, kênh Bảo Định, kênh Lợi Tế, kênh Vĩnh An và quan trọng nhất là kênh Vĩnh Tế.

Để tiến hành đào kênh Vĩnh Tế, triều Nguyễn đã có sự chuẩn bị khá chu đáo. Từ năm Mậu Dần (1818), vua Gia Long đã ra lệnh vẽ bản đồ, dọn cắt cỏ lau nơi dự kiến và tiến hành đào thí điểm một khúc sông dài 150 trượng, rộng 3 trượng, sâu 4 thước để chiết toán nhân công, khấu hao kinh phí cụ thể. Tiếp đó, triều đình cử Trấn thủ Hà Tiên là Mạc Công Du đi đo đường sông Châu Đốc một lần nữa và vẽ bản đồ dâng vua. Đồng thời, vua Gia Long cũng thăm dò ý kiến của triều đình Chân Lạp (Campuchia) về việc đào con kênh này.

Công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành, triều đình bắt đầu cho đào kênh. Kênh Vĩnh Tế được khởi đào từ bờ Tây sông Châu Đốc (thuộc địa phận phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc ngày nay), chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Chân Lạp nối tiếp với sông Giang Thành (thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ngày nay). Thời gian đào từ năm 1819 kéo dài đến năm 1824, chia làm ba đợt.

Đợt đầu tiên được khởi công từ ngày rằm tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819) đến ngày rằm tháng 3 năm Canh Thìn (1820). Đợt này kênh được đào từ sông Châu Đốc đến Náo Khẩu Ca Âm (thuộc TX. Tịnh Biên ngày nay) với tổng chiều dài được đào mới khoảng 20km. Chỉ huy trực tiếp là các quan: Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Tồn. Triều đình đã chiêu mộ 5.000 dân phu, binh lính người Việt, 500 binh lính thuộc đồn Uy Viễn cùng với 5.000 người thuộc dân binh người Chân Lạp.

Công việc đào mới kênh gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng đã được các viên quan chỉ huy tổ chức phân công cụ thể. Theo đó, phần đất cứng với 7.575 tầm do người Việt phụ trách đào; còn một số đoạn kênh thẳng dài 18.704 tầm, đất mềm và dễ đào thì do người Chân Lạp phụ trách. Bề rộng của kênh là 15 tầm, sâu 6 thước.

Khi công việc đang tiến triển thì xảy ra biến cố. Cụ thể là tại Gia Định thành, bệnh dịch tả bùng phát mạnh nên triều đình phải hoãn việc đào kênh. Qua đợt 1, kênh Vĩnh Tế đã đạt chiều dài hơn 28km vì đã thông đến Náo Khẩu Ca Âm (dài khoảng 8km).

Đợt thứ hai được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 4 (âm lịch) năm Quý Mùi (1823). Nhân việc quốc vương Chân Lạp đưa thư đến xin đem binh dân hợp sức tiếp tục đào kênh, vua Minh Mạng lập tức ra lệnh cho Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt lập kế hoạch, huy động dân binh.

Lê Văn Duyệt đã tập hợp được hơn 35.000 nhân công, bao gồm binh lính ở thành Gia Định và đồn Uy Viễn cùng với dân phu 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Bên cạnh đó, Lê Văn Duyệt cũng cho mộ thêm hơn 10.000 binh dân nước Chân Lạp để cùng hợp sức đào kênh. Tổng cộng nhân lực đào kênh đợt hai khoảng hơn 45.000 người, chia làm 3 phiên, mỗi tháng lần lượt thay đổi để có thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Chưa được bao lâu, Lê Văn Duyệt bị bệnh, vua Minh Mạng sai Phó Tổng trấn Gia Định thành là Trương Tấn Bửu thay thế. Trong đợt này, việc chỉ huy trực tiếp công việc đào kênh được giao cho Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Văn Tuyên và Trần Công Lại.

Công việc đào kênh kéo dài đến đầu mùa hè thì tạm hoãn do hạn hán, đất quá cứng khó đào, thời tiết khắc nghiệt. Qua đợt hai, con kênh đã đào thêm hơn 30km nâng tổng chiều dài lên khoảng 60km. Phần còn lại chỉ hơn 1.700 trượng (khoảng 6km) là thông đến sông Giang Thành.

Đợt cuối cùng diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5 (âm lịch) năm Giáp Thân (1824). Công việc đào kênh được vua Minh Mạng giao cho Phó Tổng trấn Gia Định thành là Trần Văn Năng đứng ra tổ chức và quản lý chung. Chỉ huy trực tiếp là Nguyễn Văn Thoại và Trần Công Lại.

Đợt này, ngoài việc đào cho kênh thông ra sông Giang Thành, dân phu còn phải nới rộng thêm lòng kênh, từ 6 trượng đào rộng thành 15 trượng. Số lượng dân binh được huy động khoảng 24.700 người, bao gồm cả người Việt và người Chân Lạp. Công việc đào kênh được tiến hành khẩn trương, bất kể ngày đêm từ phía sông Giang Thanh đào trở vào. Đến ngày mùng 1 tháng 5 (âm lịch) năm 1824, kênh Vĩnh Tế chính thức hoàn thành.

Trải qua 5 năm với muôn vàn khó khăn thử thách nơi “đồng không mông quạnh”, “sơn lam chướng khí” bằng những dụng cụ thô sơ và sức mạnh cơ bắp, binh dân Việt và Chân Lạp đã đào xong dòng kênh Vĩnh Tế nối liền từ bờ sông Châu Đốc tới cửa biển Hà Tiên dài khoảng 97km.

Trừ một số đoạn kênh có sẵn, bao gồm: Náo Khẩu Ca Âm (khoảng 8km), đoạn sông Giang Thành (khoảng 28km) và đầm Đông Hồ (khoảng 5km), trong ba đợt, dân binh đã đào mới được khoảng 56km. Theo ước tính, triều Nguyễn đã phải huy động đến hơn 80.200 dân binh để khai thông công trình trọng yếu này.

Như vậy, bằng trí tuệ, tinh thần lao động bền bỉ, kiên gan nhưng đầy sáng tạo, ông cha ta đã tạo ra một công trình kỳ vĩ trên vùng Tây Nam biên viễn vào đầu thế kỷ XIX. Kênh Vĩnh Tế hoàn thành đã đánh dấu một thời kỳ phát triển mới cho công cuộc khai phá đất đai, lập nên đồn điền, làng xóm trên vùng biên giới. Đồng thời, kênh Vĩnh Tế hiện diện như chiến hào khổng lồ bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia trên tuyến biên giới Tây Nam. Như vua Minh Mạng đã nói: “Thực là quan yếu cho quốc kế biên trù”.  

TS Dương Thế Hiền

(Trường Đại học An Giang)