39 khu, điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý

24/02/2020 - 05:11

 - UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt danh mục và cập nhật khu, điểm ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần được xử lý trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 24 khu, điểm và 15 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Rạch Bà Ngọ là 1 trong 15 khu vực ô nhiễm môi trường ở TP. Long Xuyên

Theo đó, trên địa bàn TP. Long Xuyên có 15 khu, điểm ô nhiễm môi trường, TP. Châu Đốc (4 khu, điểm ô nhiễm môi trường), TX. Tân Châu (1 khu, điểm ô nhiễm môi trường), An Phú (1), Phú Tân (1), Châu Phú (2), Châu Thành (14 cơ sở gây ô nhiễm môi trường), Tri Tôn (1 cơ sở gây ô nhiễm môi trường).

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp các ngành chức năng và đơn vị có liên quan thực hiện việc xử lý các khu, điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

Đối với cơ sở công ích: xây dựng kế hoạch khắc phục năm 2020 và hàng năm theo lộ trình ưu tiên xử lý đối với các khu, điểm ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Kế hoạch nêu trên gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, hỗ trợ về chuyên môn; đồng thời, báo cáo kết quả xử lý về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1-11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường: tiến hành giám sát, thanh, kiểm tra, xử lý và buộc khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định.

Định kỳ hàng năm, UBND cấp huyện phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện việc rà soát, đề xuất bổ sung các khu, điểm ô nhiễm môi trường mới phát sinh hoặc đưa ra khỏi danh mục đối với cơ sở gây ô nhiễm, khu, điểm ô nhiễm môi trường đã khắc phục, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí xử lý triệt để các khu, điểm ô nhiễm môi trường thuộc khu vực công ích. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú thực hiện rà soát, đánh giá tình hình sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung và tình hình hoạt động của các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò Hoffman… trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 23-1-2014 và Quyết định số 1938/QĐ-UBND ngày 13-7-2016 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 23-1-2014.

Qua đó, đề xuất các biện pháp, giải pháp quản lý cho giai đoạn 2021-2025. Sở Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 27-3-2020 để xem xét, chỉ đạo thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện di dời hoặc cải tạo các lò giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch khắc phục, kiểm tra, đôn đốc và tham mưu đề xuất bổ sung khu, điểm ô nhiễm môi trường, cơ sở ô nhiễm môi trường mới phát sinh hoặc đưa ra khỏi danh mục đối với khu, điểm ô nhiễm môi trường, cơ sở ô nhiễm môi trường đã được khắc phục. Theo dõi, tổng hợp danh mục kế hoạch và kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục báo cáo UBND tỉnh vào ngày 30-12 hàng năm.

P.V