Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.
1. Ngay trong phiên khai mạc, công tác cán bộ đã được đưa ra bàn bạc, xem xét. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đảng ta luôn xác định, công tác cán cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là điểm then chốt của mọi then chốt.
Người đứng đầu Đảng ta đã chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác cán bộ hiện nay, đồng thời đặt ra hàng loạt câu hỏi mang tính gợi mở về công tác này. Vì sao Tổng Bí thư lại phải trăn trở đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ khi ông đặt câu hỏi, đối với cán bộ, chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai?
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7
Thực tế thời gian dài vừa qua cho thấy, với một cán bộ, nếu khuyết thiếu một trong hai yếu tố này thì đều trở thành mối nguy hại cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt, một khi cán bộ đã “thoái hóa biến chất” thì hậu quả là khôn lường. Bằng chứng là những vụ đại án đã và đang được đưa ra xét xử, nhiều ngàn tỷ đồng tiền mồ hôi xương máu của nhân dân đã bị những cán bộ có “năng lực” nhưng lại thiếu “phẩm chất” trục lợi cá nhân, làm thất thoát…
Thời gian qua, Đảng ta và người đứng đầu Đảng đã nhìn thấy rõ điều đó, đã và đang có những quyết tâm cao trong việc xử lý sai phạm, không có bất cứ “vùng cấm” nào, kể cả cán bộ cấp chiến lược, người về hưu nếu có sai phạm cũng đều được đưa ra ánh sáng. Đây cũng là sự công bằng trong đánh giá cán bộ, giữ gìn kỷ cương của Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Những quyết tâm này lại một lần nữa được khẳng định trong Hội nghị Trung ương 7. Vì thế, sự kỳ vọng vào một sự thay đổi lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ là có cơ sở vững chắc.
2. Kiểm soát quyền lực cũng là một vấn đề “nóng” trong các phiên thảo luận của Hội nghị Trung ương 7. Ngay trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh việc một số cán bộ, có cả cán bộ chiến lược năng lực, phẩm chất chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng…
Tất cả những sai phạm trên, suy cho cùng cũng từ việc không kiểm soát tốt quyền lực. Bởi chỉ những người có quyền lực mới có cơ hội và có điều kiện để tham nhũng. Khi họ có quyền, nhưng không kiểm soát tốt thì dẫn đến việc lạm quyền, dẫn đến việc cố ý làm trái, trục lợi, vơ vét tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Nhận thấy rõ thực tế này, Tổng Bí thư đã nhiều lần chỉ rõ, phải “nhốt” quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật. Và thực tế thời gian qua đã có rất nhiều quy định về công tác cán bộ, như luân chuyển cán bộ, đề bạt cán bộ, đánh giá cán bộ… cũng nhằm xây dựng “lồng” pháp luật ngày càng vững chắc hơn để kiểm soát quyền lực.
Cũng tại Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư lại một lần nữa đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, với những gợi mở “Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa?”, cùng với những thảo luận, đề xuất các phương án kiểm soát quyền lực của các đại biểu, chắc chắc chúng ta có quyền kỳ vọng: Sau Hội nghị lần này, lồng pháp luật sẽ được hoàn thiện kiên cố và vững chắc hơn để “nhốt” quyền lực một cách hiệu quả hơn.
3. Chống chạy chức, chạy quyền cũng là một trong những vấn đề dược đặc biệt quan tâm trong các phiên thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7. Đây là thực tế đang gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành…
Cũng ngay ngày đầu Hội nghị, người đứng đầu Đảng ta đã phải nói rằng “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi” và nhấn mạnh phải khắc phục cho được tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen, cánh hẩu".
Trong các buổi thảo luận, các đại biểu cũng bàn bạc, đề xuất để chống chạy chức, chạy quyền, trong đó có việc cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình.
Cũng ngay tại Hội nghị, một trong những giải pháp có khả thi cao để chống chạy chức, chạy quyền được các đại biểu đồng tình cao là việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Vấn đề nhức nhối chạy chức, chạy quyền hiện nay lại một lần nữa đưa ra tại Hội nghị với sự nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, yếu kém lại chúng ta thêm kỳ vọng, sẽ có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
4. Một nội dung cũng được dư luận quan tâm trong Hội nghị lần này là việc bầu thêm 2 Ủy viên Ban Bí thư và tân Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Trong thời gian qua, nhiều người nhìn nhận hoạt động của Ủy Ban Kiểm tra, trong đó có người đứng đầu Ủy ban này như cánh nay nối dài của Đảng, của Tổng Bí thư trong việc thực hiện quyết tâm xử lý nghiêm sai phạm, quyết không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm.
Thực tế, đã có rất nhiều cán bộ, thậm chí ở cấp chiến lược mắc sai phạm đều bị đưa ra xử lý nghiêm khắc tùy mức độ sai phạm. Kể cả những cán bộ về hưu nếu mắc sai phạm thì cũng không được “hạ cánh an toàn”, ai có khuyết điểm đều được làm rõ.
Việc Ban Chấp hành Trung ương bầu tân Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đặt ra nhiều kỳ vọng, người mới sẽ kế thừa và phát huy tốt những thành quả của người tiền nhiệm, tiếp tục là “tai mắt” của Đảng, của Tổng Bí thư trong việc thực hiện quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn Đảng, lấy lại lòng tin của dân./.
Theo MINH HÒA (VOV)