Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq. (Nguồn: UN)
Ngày 31-10, ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, cho biết 45 triệu người ở khu vực miền Nam châu Phi - một con số kỷ lục - sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong 6 tháng tới.
Theo ông Farhan Haq, cảnh báo trên do Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đưa ra.
Theo đó, hơn 11 triệu người ở 9 quốc gia miền Nam châu Phi đang trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức "khủng hoảng" hoặc "khẩn cấp." Trong 9 nước này, 6 nước được dự báo sẽ bị tác động mạnh nhất của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong những năm tới, gồm CHDC Congo, Malawi, Mozambique, Tanzania, Zambia và Zimbabwe.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, ông Haq cho biết nhiệt độ ở miền Nam châu Phi đang tăng với tốc độ nhanh gấp đôi mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Trong 5 mùa mưa vừa qua, chỉ một mùa là khu vực này có lượng mưa bình thường. Hạn hán kéo dài, cùng với bão và lũ lụt đã tàn phá các vụ mùa tại khu vực vốn rất phụ thuộc vào mưa này.
Khủng hoảng đói nghèo gia tăng, ảnh hưởng tới các cộng đồng dân cư ở cả thành thị và nông thôn, đang càng nghiêm trọng hơn khi giá lương thực tăng cao, số gia súc chăn nuôi giảm trên quy mô lớn, và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Tình trạng này cũng làm tồi tệ thêm vấn đề thiếu dinh dưỡng vốn đang rất nghiêm trọng tại các cộng đồng có nguy cơ cao.
Các cơ quan trên kêu gọi quốc tế đóng góp tài trợ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đói nghèo quy mô lớn, và tăng đầu tư vào các biện pháp dài hạn để chống lại các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo BÍCH LIÊN (VOV)