Olympus Mons là ngọn núi lửa hùng vĩ nhất trong Hệ mặt trời. Nằm trong vùng núi lửa Tharsis, nó có kích thước tương đương với bang Arizona, Mỹ, theo NASA. Chiều cao của nó là 25 km, gần gấp ba lần chiều cao của đỉnh Everest trên Trái đất, vốn cao chỉ khoảng 8,9 km. Olympus Mons là một ngọn núi lửa hình khiên khổng lồ, được hình thành sau khi dung nham đổ từ từ xuống sườn núi. Điều này có nghĩa là ngọn núi có thể dễ dàng leo lên đối với những nhà thám hiểm trong tương lai, vì độ dốc trung bình của nó chỉ khoảng 5%. Tại đỉnh có một vùng trũng ngoạn mục rộng 85 km, được hình thành bởi các khoang magma bị mất dung nham. (Ảnh: NASA/Nhóm khoa học Mola/ O. de Goursac, Adrian Lark)
Trong khi leo quanh Olympus Mons, du khách cũng nên nán lại để quan sát một số ngọn núi lửa khác ở vùng Tharsis. Theo NASA, Tharsis có 12 ngọn núi lửa khổng lồ trong một khu vực rộng khoảng 4.000 km. Giống như Olympus Mons, những ngọn núi lửa này có xu hướng lớn hơn nhiều so với những ngọn núi lửa trên Trái đất. Chúng có thể đã phun trào trong khoảng thời gian cách đây khoảng hai tỷ năm trước. Hình ảnh này cho thấy khu vực phía đông vùng Tharsis, do tàu Viking 1 chụp vào năm 1980. Ở bên trái, từ trên xuống dưới, bạn có thể thấy ba ngọn núi lửa hình khiên cao khoảng 25 km: Ascraeus Mons, Pavonis Mons và Arsia Mon. Ở phía trên bên phải là một ngọn núi lửa hình khiên khác có tên là Tharsis Tholus. (Ảnh:NASA/JPL)
Sao Hỏa không chỉ có ngọn núi lửa lớn nhất Hệ Mặt trời, mà còn có hẻm núi lớn nhất. Hẻm núi Valles Marineris dài khoảng 3.000 km, dài gấp gần khoảng 4 lần so với hẻm núi Grand Canyon trên Trái Đất, vốn có chiều dài khoảng 800 km. (Ảnh: NASA).
Nổi tiếng nhờ cuộc đổ bộ của tàu thám hiểm Curiosity vào năm 2012, miệng núi lửa Gale được phát hiện là nơi chứa nhiều bằng chứng về nước trong quá khứ. Tàu Curiosity tình cờ gặp được một lòng suối trong vòng vài tuần, sau khi hạ cánh và tìm thấy nhiều bằng chứng hơn về nước trong suốt hành trình dọc theo đáy miệng núi lửa này. Thậm chí, tàu Curiosity đã từng nhiều lần phát hiện ra các phân tử hữu cơ phức tạp trong khu vực. Kết quả thăm dò năm 2018 cũng công bố một số chất hữu cơ được phát hiện bên trong những tảng đá 3,5 tỷ năm tuổi. Tàu thăm dò cũng tìm thấy nồng độ khí mê-tan trong khí quyển thay đổi theo mùa. Khí mê-tan là một nguyên tố có thể được tạo ra bởi vi khuẩn, cũng như các hiện tượng địa chất nên vẫn chưa rõ liệu đó có phải là dấu hiệu của sự sống hay không. (Ảnh:NASA/JPL-Caltech/ASU).
Medusae Fossae là một trong những địa điểm kỳ lạ nhất trên sao Hỏa, một số người thậm chí còn suy đoán rằng, nó có bằng chứng về một vụ tai nạn UFO nào đó. Lời giải thích hợp lý hơn thì đây là một mỏ núi lửa khổng lồ, có diện tích bằng khoảng 1/5 diện tích nước Mỹ. Theo thời gian, gió sao Hỏa khắc nghiệt đã biến những tảng đá khu mỏ núi lửa thành một số hình dạng đẹp mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia sẽ phải cần nghiên cứu nhiều hơn để tìm hiểu cách cấu trúc Medusae Fossae hình thành thực sự. (Ảnh: ESA).
Theo VTC