Đó là 5 trường: Đại học Tôn Đức Thắng vị trí 82, Đại học Duy Tân 107, Đại học Quốc gia Hà Nội 301 - 350, Đại học Quốc gia TP.HCM 401 - 500 và Đại học Bách Khoa Hà Nội xếp hạng 501+. So với năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội tụt hạng. Còn Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn giữ nguyên xếp hạng ở vị trí 401 - 500.
Năm nay, bảng xếp hạng thêm Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Duy Tân đều ở vị trí cao, vượt qua cả ba trường nêu trên. Đây cũng là hai trường đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng này.
Thứ tự các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng đại học thế giới ở các nền kinh tế mới nổi năm 2022.
Bảng xếp hạng đại học thế giới ở các nền kinh tế mới nổi 2022 có 698 trường đại học thuộc 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 92 trường so với năm 2021.
Trung Quốc vẫn là quốc gia với nhiều trường dẫn đầu bảng xếp hạng nhất với 5 trường nằm trong top 10 và cũng là quốc gia nhiều trường vào top 200 nhất (51 trường). Nga và Đài Loan cũng có các trường đại học lọt vào top 10, trong khi Nam Phi rớt khỏi top ưu tú này. Đặc biệt, Nga vươn lên trở thành quốc gia xếp thứ 2 với nhiều trường đại học lọt top 200 nhất (17 trường).
Một số đại học hàng đầu của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á xếp thứ hạng cao như: Đại học Malaya (Malaysia) đứng vị trí 36, Đại học Universiti Teknologi Petronas (Malaysia) 60, Đại học Universiti Putra Malaysia (Malaysia) 81, Đại học Tôn Đức Thắng (Việt Nam) 82, Đại học Mahidol (Thái Lan) 87, Đại học Universiti Kebangsaan Malaysia (Malaysia) 91...
Bảng xếp hạng này bao gồm các cơ sở giáo dục ở các quốc gia được Nhóm FTSE của Sàn Giao dịch Chứng khoán London phân loại là “Advanced emerging” (mới nổi tiên tiến), “Secondary emerging” (mới nổi thứ cấp), và “Frontier” (kinh tế tiên phong).
Bảng xếp hạng này sử dụng 5 “trụ cột” để đánh giá và xếp hạng gồm: Giảng dạy (môi trường học tập chiếm trọng số 30%); Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng chiếm trọng số 30%); Trích dẫn Khoa học (ảnh hưởng của nghiên cứu chiếm 20%); Triển vọng Quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu chiếm 10%); Thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức chiếm 10%) của các cơ sở giáo dục nhưng điều chỉnh về trọng số các tiêu chí để phản ánh được những ưu tiên phát triển của các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)