50 năm Mỹ thuật Việt Nam: Phát triển thống nhất trong đa dạng

01/05/2025 - 14:14

50 năm qua kể từ ngày thống nhất đất nước, những đóng góp từ hai miền, với bao gương mặt nghệ sỹ đáng kính, không chỉ tạo dựng nền mỹ thuật thống nhất, mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Khách tham quan bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, cùng với các loại hình văn hóa nghệ thuật khác, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, để lại dấu ấn cả ở trong nước và quốc tế, tạo nên một nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam phong phú, đa dạng.

Dấu ấn mỹ thuật hai miền

Họa sỹ Ngô Xuân Khôi (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đánh giá, sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, văn hóa nghệ thuật Việt Nam bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn của hàn gắn, xây dựng và định hình lại bản sắc trong thời bình.

Trong dòng chảy chung ấy, mỹ thuật không chỉ là tiếng nói thẩm mỹ, còn là biểu hiện của một tinh thần dân tộc vừa kiêu hãnh, vừa khát khao đổi mới.

Từ hai miền - với những nền tảng thẩm mỹ và lịch sử khác nhau - đội ngũ nghệ sỹ đã gặp nhau trong một không gian chung, cùng nhau tạo dựng một diện mạo mới cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Ở miền Bắc, thế hệ họa sỹ kháng chiến - những người được đào tạo bài bản từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hoặc trong thời chiến tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Những tên tuổi như họa sỹ Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... mỗi người đều mang một dấu ấn riêng, tạo nên những dòng chảy thẩm mỹ đa dạng.

0105-tranh-son-mai-tran-van-can.jpg

Bức tranh 'Tình yêu đầu tiên' của danh họa Trần Văn Cẩn. (Nguồn: Chọn Auction House)

Những bức tranh sơn mài của họa sỹ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm là kết tinh giữa truyền thống và hiện đại. Bùi Xuân Phái với những bức tranh Phố cổ Hà Nội trở thành di sản không chỉ vì giá trị hội họa, còn bởi tâm hồn Hà Nội lặng lẽ trong từng nét cọ.

Ở miền Nam, các họa sỹ như Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Võ Lăng, Nguyễn Lâm... đã mang theo tinh thần tự do sáng tạo, cái nhìn hiện sinh và phong cách chịu ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây đương đại.

Nguyễn Trung là một trong những người đầu tiên dấn thân vào nghệ thuật trừu tượng ở Việt Nam, góp phần phá vỡ giới hạn của biểu hiện truyền thống, hướng tới tự do cá nhân trong nghệ thuật.

Theo họa sỹ Ngô Xuân Khôi, giai đoạn 1975-1986, mỹ thuật Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần hiện thực xã hội chủ nghĩa, vốn đã hình thành trong suốt mấy cuộc kháng chiến.

Đề tài xoay quanh chiến tranh, công cuộc tái thiết đất nước, hình ảnh người lao động và sinh hoạt của nhân dân. Tranh sơn mài, sơn dầu, bột màu, khắc gỗ... là những chất liệu chủ đạo.

Mỹ thuật thời kỳ này mang đậm tinh thần tập thể, đồng thời đóng vai trò tuyên truyền, giáo dục. “Sự giao thoa giữa hai miền sau 1975 đã tạo nên một sự tổng hợp đầy sức sống: từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến thể nghiệm, từ cá nhân đến cộng đồng. Đây chính là sức mạnh của mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến,” họa sỹ Ngô Xuân Khôi chia sẻ.

Nhận định về đời sống mỹ thuật giai đoạn này, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết: “Sau 1975, nghệ thuật miền Bắc và miền Nam Việt Nam như hai dòng sông từng song song, rồi hợp lưu để tạo nên một dòng chảy mới - phức hợp, đa chiều và giàu sức sống. Chính sự va chạm giữa hai nền thẩm mỹ đã làm nên sự độc đáo của mỹ thuật Việt Nam hiện đại."

Bên cạnh tác phẩm giá vẽ, các công trình mỹ thuật công cộng như phù điêu, tượng đài, tranh tường tại các quảng trường, bảo tàng, công viên... cũng góp phần định hình không gian thẩm mỹ đô thị và nông thôn sau thống nhất. Các tượng đài Bác Hồ, tượng đài Chiến thắng ở nhiều địa phương không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là ký ức tập thể, là nơi neo giữ giá trị tinh thần của cộng đồng.

Từ sau 1975, các cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc định kỳ 5 năm một lần, được xem như là những cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu của đội ngũ họa sỹ và điêu khắc trong cả nước thời kỳ này.

Mỹ thuật đổi mới, chuyển mình

Cùng với làn sóng đổi mới trong kinh tế-chính trị, không gian sáng tạo nghệ thuật Việt Nam cũng dần mở cửa với thế giới.

Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, thì ngay năm 1976, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đã được tổ chức, có sự tham gia của cả các họa sỹ miền Nam. Triển lãm đã ghi một dấu ấn đổi mới đầu tiên, qua bức tranh “Tan ca mời chị em ra họp để thi chọn thợ giỏi” (năm 1976) của cố danh họa Nguyễn Đỗ Cung.

Hình tượng nữ công nhân trong bức tranh cho thấy dấu hiệu bắt đầu của sự thay đổi trong quan niệm và khuynh hướng sáng tác. Và bức tranh cũng là tín hiệu cho thấy mỹ thuật đã đi trước một chặng đường 10 năm.

Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, mỹ thuật đã có những bước phát triển rực rỡ, nở rộ xu thế của mỹ thuật đổi mới và đi trước đổi mới. Khi ấy, những người theo trường phái mỹ thuật Đông Dương đã chấp nhận sự ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây hiện đại vào mỹ thuật Việt Nam.

Các khuynh hướng sáng tác của chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa… cũng được các tác giả thay đổi. Đặc biệt, câu chuyện xã hội Việt đang thay đổi như thế nào được thể hiện tại không gian này, với hội họa hiện thực, hội họa trừu tượng, hội họa siêu thực.

Đồng quan điểm, họa sỹ Ngô Xuân Khôi cũng cho rằng, sau đổi mới năm 1986, mỹ thuật dần dần chuyển mình, từ chỗ phục vụ nhiệm vụ chính trị sang mở rộng đề tài cá nhân, đời sống nội tâm, các vấn đề xã hội sâu sắc.

0105-bao-tang-my-thuat-viet-nam-2.jpg

Du khách sau khi tải app iMuseum VFA có thể quét mã để được nghe thuyết minh về từng tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Sự xuất hiện của các hình thức nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art, nghệ thuật khái niệm... đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy nghệ thuật, thể hiện sự dũng cảm tìm tòi cái mới của nghệ sỹ Việt trong bối cảnh hội nhập.

Đây cũng là giai đoạn mỹ thuật Việt Nam bắt đầu tiếp xúc sâu rộng hơn với các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại của phương Tây, một số họa sỹ như Nguyễn Trung, Đỗ Thị Ninh, Trần Trọng Vũ… là những nghệ sỹ tiên phong trong dòng tranh trừu tượng tại Việt Nam, coi biểu hiện cảm xúc nội tâm là trung tâm sáng tạo.

Tiến sỹ Phạm Quốc Trung (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nhận định, sau năm 1986, giới mỹ thuật nắm bắt cơ hội đổi mới rất nhanh và hòa nhịp vào dòng chảy của hoạt động mỹ thuật khu vực và thế giới qua con đường thử nghiệm, tìm tòi ngôn ngữ nghệ thuật riêng.

Mỹ thuật giai đoạn này phát triển rất đa phong cách, nhiều khuynh hướng khác nhau, không chỉ dừng ở đổi mới đề tài hay chủ đề, mà thay đổi cả một mô hình thẩm mỹ mới với hệ thống quan niệm, cấu trúc và đối tượng mới.

Thập niên 1990, hội họa Việt Nam bắt đầu gây được sự chú ý của giới truyền thông và sưu tầm nghệ thuật ở nước ngoài, nhờ sự khác lạ và có bản sắc riêng biệt.

Mỹ thuật Việt Nam đồng thời thể hiện nhiều nội dung và hình thức nghệ thuật, từ thẩm mỹ dân gian văn hóa làng, tiền thực dân, mỹ thuật Đông Dương, hiện thực xã hội chủ nghĩa, cho đến các xu hướng nghệ thuật hiện đại đầu thế kỷ XX như lập thể, siêu thực, trừu tượng.

Bước vào đời sống kinh tế thị trường, đồ họa quảng cáo, mỹ thuật ứng dụng phát triển mạnh, nhiều chất liệu, công nghệ phong phú. Có sự đan xen quan niệm, ngôn ngữ, chất liệu giữa các loại hình nghệ thuật.

Cùng với đó, các hình thức nghệ thuật đương đại cuối thế kỷ như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, video art, pop-art… cũng được nhiều nghệ sỹ trẻ thử nghiệm, mở ra không gian tương tác mới giữa nghệ sỹ và công chúng, mở rộng biên độ thẩm mỹ, vượt ra khỏi các giới hạn truyền thống để khám phá hình thức và nội dung đa dạng hơn.

Một trong những dấu ấn lớn của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ hậu đổi mới, là sự lên tiếng mạnh mẽ của bản thể cá nhân. Nếu trước kia nghệ sỹ thường ẩn mình sau tập thể, sau “tư tưởng lớn,” thì nay, cá nhân và đời sống nội tâm trở thành trung tâm sáng tạo.

Tiến sỹ Phạm Quốc Trung nhận định dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể sau năm 1975, song mỹ thuật Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, thách thức cần được khắc phục.

Thị trường mỹ thuật mới hình thành, còn manh mún và chưa chuyên nghiệp, thiếu các chế tài pháp lý dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ở nhiều mức độ, làm suy giảm giá trị nghệ thuật và lao động sáng tạo của nghệ sỹ.

Một bộ phận nghệ sỹ bị thương mại hóa, nguồn lực cho sáng tác, nghiên cứu chưa đáp ứng kịp thời, đầy đủ với nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, lực lượng phê bình mỹ thuật mỏng và yếu, thiếu bảo tàng nghệ thuật đương đại có quy mô lớn để tổ chức các sự kiện nghệ thuật có tính chất quốc gia, thiếu các “mạnh thường quân” trong nước tài trợ... là những hạn chế lớn cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam, để bước lên một cấp độ mới chuyển đổi về chất và tính chuyên nghiệp.

Để mỹ thuật Việt phát triển rực rỡ hơn, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho rằng, tự thân người nghệ sỹ phải nỗ lực, cố gắng để làm nghệ thuật và tìm cho mình một hướng đi phù hợp.

Bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ mới, giới mỹ thuật Việt cũng bước vào thời kỳ đổi mới lần 2, sau giai đoạn 1980. Sự thay đổi này phụ thuộc rất nhiều vào các nghệ sỹ trẻ, những người luôn tự tin, can đảm để làm những gì họ muốn.

“Mỹ thuật đương đại Việt ngày càng khác hơn nhờ các bạn trẻ. Họ đưa ra cách nhìn khác, nghĩ khác và vẽ khác với những thế hệ trước. Đó chính là sự thừa hưởng đẹp đẽ nhất của các nghệ sỹ trẻ đối với nền mỹ thuật Việt Nam,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Có thể nói, sự phát triển mỹ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, là minh chứng cho khả năng tự đổi mới và dung hòa giữa các dòng chảy tư tưởng - nghệ thuật.

Những đóng góp từ hai miền, với bao gương mặt nghệ sỹ đáng kính, không chỉ tạo dựng nên một nền mỹ thuật thống nhất, mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn, với những lớp nghệ sỹ trẻ ngày càng mạnh mẽ trong tư duy và bản lĩnh trong sáng tạo./.

Theo Vietnam+