7 tháng năm 2024, giá trị gạo xuất khẩu tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái

04/08/2024 - 20:36

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị gạo xuất khẩu 7 tháng đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1%; sản lượng 5,18 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.

Bốc xếp, vận chuyển gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH gạo Vinh Phát ở thành phố Long Xuyên, An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị gạo xuất khẩu 7 tháng năm 2024 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với sản lượng 5,18 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số loại lúa có sự tăng giá so với tuần trước như Đài thơm 8 từ 7.400-7.600 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 18 từ 7.500-7.700 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; OM 5451 từ 7.000-7.200 đồng/kg, tăng100 đồng/kg.

Một số loại vẫn giữ ổn định như lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 6.900-7.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg.

Từ ngày 15/7-31/8, tỉnh An Giang xuống giống vụ lúa Thu Đông 2024. Đến nay, 14 doanh nghiệp đã đăng ký liên kết tiêu thụ 46.300ha lúa cho nông dân, chiếm 29,09% diện tích xuống giống.

Hiện nay, An Giang vào mùa mưa, lũ phức tạp, các địa phương cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ Hè Thu, ngành nông nghiệp An Giang khuyến cáo các địa phương và người dân chủ động chuẩn bị cho sản xuất vụ Thu Đông tuân thủ lịch thời vụ xuống giống, biện pháp phòng trừ dịch hại.

Thu hoạch lúa Hè Thu. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng, cả nước đã gieo cấy 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 25 triệu tấn, tăng 2%.

Riêng lúa Thu Đông ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy 306.700 ha, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, giá trị gạo xuất khẩu 7 tháng đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với sản lượng 5,18 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.

Trong tuần qua, theo các nhà giao dịch, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 560 USD/tấn vào ngày 1/8, so với mức từ 550-560 USD/tấn một tuần trước đó.

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung hiện không cao nhưng chất lượng gạo khá tốt, do đó giá tăng nhẹ.

Tại Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2024. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức từ 543-551 USD/tấn trong tuần này, giảm so với từ 540-547 USD/tấn trong tuần trước.

Theo ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ Satyam Balajee, khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng chậm lại đáng kể, do thuế xuất khẩu làm giảm lợi thế về giá của nước này trước các nhà cung cấp đối thủ.

Theo các nguồn tin từ chính phủ trong tháng trước, Ấn Độ có thể hạ giá xuất khẩu tối thiểu gạo basmati và thay thế 20% đối với gạo đồ bằng mức thuế xuất khẩu cố định áp dụng chung, khi dự trữ gạo của nước này tăng lên mức cao kỷ lục.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 570-575 USD/tấn vào ngày 1/8, bằng với tuần trước đó. Theo một nhà giao dịch tại Bangkok, giá có thể đã biến động nhẹ sau khi Indonesia thông báo đấu thầu. Ông nói thêm hiện không có vấn đề về nguồn cung.

Các nhà giao dịch phải chờ vài tuần tới để xem liệu Ấn Độ có tiếp tục cấm xuất khẩu hay không. Về phía nguồn cung, hiện không có vấn đề gì gây lo ngại.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá ngô và đậu tương kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa Chicago dao động gần mức thấp nhất 4 năm trong phiên 2/8 và trên đà giảm cả tuần, khi dự báo thời tiết lạnh và mưa tại khu vực trồng ngô ở Mỹ cải thiện triển vọng nguồn cung.

Giá lúa mỳ kỳ hạn cũng ở gần mức thấp nhất kể từ năm 2020, nhưng hướng tới tăng trong cả tuần, khi các nhà giao dịch đánh giá tác động về sản lượng do điều kiện thời tiết bất lợi tại châu Âu và Trung Quốc.

Giá đậu tương giảm 0,1%, xuống 10,16 USD/bushel và giảm 3% trong tuần, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm là 10,13 USD/bushel trong phiên 1/8.

Trong khi đó, giá ngô tăng 0,2%, lên 3,99 USD/bushel, nhưng giảm 2,6% so với mức chốt phiên cuối tuần trước, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm là 3,95 USD/bushel trong phiên 1/8.

Giá lúa mỳ ổn định ở mức 5,32 USD/bushel và tăng 1,6% trong tuần. Mức giá này vẫn gần mức thấp nhất trong bốn năm là 5,14 USD/bushel trong phiên 29/7 (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các nhà giao dịch cho rằng nông dân Mỹ bắt đầu bán ra ngô và đậu tương của vụ 2023 khi khả năng giá tăng giảm đi và họ cần giải phóng kho chứa cho vụ tới. Trong khi đó, các cơn bão và dự báo có mưa nhiều hơn có thể dừng vụ thu hoạch lúa mỳ tại Pháp trở lại.

Giới chức Trung Quốc đã hối thúc các địa phương giảm thiểu thiệt hại mùa màng và đảm bảo sản lượng ngũ cốc sau khi mưa lũ lớn ảnh hưởng tới các khu vực trồng lúa mỳ ở nước này.

Về thị trường càphê thế giới, giá càphê tại hai sàn London và New York ngày 3/8 (theo giờ Việt Nam) tăng trở lại.

Giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 9/2024 tăng nhẹ 2 USD, lên mức 4.227 USD/tấn và giao tháng 11/2024 tăng 5 USD, lên 4.088 USD/tấn.

Còn trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 3,25 xu, lên mức 230,5 xu/lb và giao tháng 12/2024 tăng 3,15 xu, lên mức 229,55 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Ở trong nước, tại tỉnh Lâm Đồng, giá càphê ở ba huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang cùng ở mức 122.700 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, giá thu mua ở huyện Cư M'gar ở mức 123.200 đồng/kg, còn ở huyện Ea H'leo và Buôn Hồ ở mức 123.100 đồng/kg./.

Theo TTXVN/Vietnam+