Bị cáo Đâm tại phiên tòa phúc thẩm
Sau thời gian qua lại Campuchia mua, bán cây cảnh, Danh Đâm quen một người đàn ông khoảng 40 tuổi (không rõ nhân thân). Biết khu vực này có bán cây cần sa, nên khi trở về Việt Nam, Đâm tìm người, câu móc mua, bán nhằm kiếm thêm thu nhập. Khoảng tháng 11-2017, Đâm đến TP. Hồ Chí Minh gặp một người đàn ông (không rõ họ tên, địa chỉ, hành nghề chạy xe Honda đầu tại bến xe Miền Tây) thỏa thuận tìm người giúp Đâm tiêu thụ cần sa, tiền công 500.000 đồng.
Người chạy xe Honda đầu chở Đâm đến quán cà phê cách bến xe khoảng 1km, giới thiệu một thanh niên khoảng 30 tuổi (tự xưng tên Nong, không rõ họ, địa chỉ) đang cần mua cần sa. Tại đây, Đâm và Nong thỏa thuận giá mua, bán, số lượng và thời gian giao hàng. Khi tìm được “mối” tiêu thụ cần sa, Đâm sang Campuchia qua đường tiểu ngạch (thuộc xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) đến khu vực chợ Tà Lợp (thuộc huyện Kirivong, tỉnh Takeo, Campuchia). Ông ta liên lạc với một người đàn ông lạ khoảng 40 tuổi (không rõ họ tên, địa chỉ) giao dịch, thỏa thuận giá mua, bán 5 triệu đồng/kg cần sa, đồng thời chọn địa điểm và thời gian giao dịch tại khu vực cổng chào (thuộc địa phận xã Vĩnh Gia). Khi nhận được cần sa, Đâm vận chuyển đến TP. Hồ Chí Minh giao cho Nong, Đâm thu lợi 5 triệu đồng.
Đến ngày 9-12-2017, Nong điện thoại cần mua 20kg cần sa, yêu cầu Đâm cung cấp. Do Đâm không có đủ tiền mặt mua, Nong kêu Đâm mang giấy chứng minh nhân dân lên gặp Nong để thỏa thuận mua bán. Tại TP. Hồ Chí Minh, Nong xem giấy chứng minh nhân dân của Đâm, chụp lại bằng điện thoại, rồi đưa 100 triệu đồng để Đâm trở về mua cần sa. Ngày 12-12-2017, Đâm tiếp tục điện thoại giao dịch đặt mua cần sa của người đàn ông ở Campuchia, thời gian và địa điểm giao hàng như lần trước. Như đã thỏa thuận, hôm sau, Đâm điều khiển xe môtô biển kiểm soát 67N1-324.53 một mình đi đến gần khu vực cổng chào. Mặc dù đã nhận đủ 2 bao ny-lon (chứa 20kg cần sa) nhưng Đâm không đưa hết tiền, mà chỉ đưa 50 triệu đồng, hẹn lần sau trả đủ.
Kết thúc giao dịch, Đâm vận chuyển 2 bao cần sa lưu thông trên tuyến Quốc lộ N1 về hướng xã Lạc Quới (Tri Tôn). Đến khu vực ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới thì bị tổ công tác Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Lạc Quới phát hiện, yêu cầu dừng phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện 2 bao ny-lon trên xe môtô, chứa tổng cộng 28kg cây thảo mộc (cần sa). Đâm cùng tang vật bị đưa về trụ sở Đồn Biên phòng Lạc Quới làm rõ sự việc.
Căn cứ kết luận giám định, trọng lượng số cần sa trên, gồm: lá, hoa, quả là ma túy, trọng lượng 22,36kg, loại cần sa; cành thảo mộc khô là ma túy, trọng lượng 3,82kg, loại cần sa. Qua thời gian điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 22-2-2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tri Tôn ra quyết định khởi tố đối với Danh Đâm về hành vi “Mua, bán trái phép chất ma túy”. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm, Đâm thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đồng thời bị cáo cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của mình là vì “gia đình đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải bán tài sản trả nợ nhưng vẫn không hết. Gặp nhiều khó khăn, bị cáo đã “làm liều”, chỉ để kiếm tiền”.
Theo Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, mọi hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển… trái phép chất ma túy đều vi phạm pháp luật. Nhưng vì bản tính tham lam, muốn có tiền tiêu xài, bị cáo đã câu móc với những người lạ để tiêu thụ cần sa, tạo ra lợi nhuận bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra, thể hiện tính xem thường pháp luật. Do đó cần phải áp dụng một chế tài, hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo để giáo dục, cải tạo bị cáo. Hội đồng xét xử sơ thẩm đã xem xét rất nhiều tình tiết để giảm nhẹ cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được nội dung gì mới có liên quan, chỉ xoay quanh các vấn đề trước đó.
Sau khi nghe Hội đồng xét xử phân tích rõ ràng, cụ thể những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với hành vi phạm tội của mình, bị cáo Danh Đâm xin được rút kháng cáo. Ở tuổi 70, ông ta còn phải vào tù, trả giá cho lòng tham bằng bản án 4 năm giam giữ.
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG