Ấm lòng những suất cơm nhân ái

24/04/2020 - 05:48

 - Những suất cơm tuy nhỏ nhưng mang nghĩa tình từ các tấm lòng nhân ái đã giúp no bụng, ấm lòng biết bao người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tô thắm thêm truyền thống sẻ chia, "tương thân tương ái" của dân tộc.

Ngày nào cũng vậy, tại bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện luôn là điểm tựa, phục vụ mỗi ngày 3 buổi, gồm: cháo sáng, 2 buổi cơm sáng, chiều và nước sôi cho thân nhân và bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh. Gần 30 năm hoạt động, bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu (TX. Tân Châu, An Giang) đã góp phần chia sẻ những khó khăn với bệnh nhân nghèo tại đây giảm một phần gánh nặng để họ an tâm chữa bệnh.

Để bếp ăn hoạt động, không thể không kể đến những đóng góp của những thành viên tình nguyện của bếp. Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, nghề nghiệp nhưng đều đến với bếp ăn bằng tấm lòng thiện nguyện, mang đến những bữa ăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Khi trời chưa sáng, các thành viên tổ nấu ăn đã thức dậy chuẩn bị bữa cháo sáng để kịp phát cho mọi người.

Sau đó, quay lại chuẩn bị 2 buổi cơm được phát vào lúc 9 giờ và 15 giờ. Việc thì luôn tay, luôn chân nhưng bếp ăn lúc nào cũng diễn ra trong không khí vui vẻ, trung bình mỗi ngày, bếp ăn phục vụ hơn 400 suất cơm, cháo và nước nóng. Điểm đặc biệt là bếp ăn không ngày nào tắt lửa, kể cả ngày lễ, Tết đều phục vụ như ngày thường.

Bếp ăn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu phục vụ trong mùa dịch bệnh Covid-19

Là thành viên tình nguyện ngay từ những ngày đầu bếp ăn được thành lập, ông Võ Văn Cứng (71 tuổi, ngụ phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ: “Ở đây hầu hết đều đã lớn tuổi nhưng tham gia công tác từ thiện rất nhiệt tình. Đây là công việc vô cùng ý nghĩa, tôi và mọi người ở đây sẽ tiếp tục gắn bó với bếp để giúp bà con yên tâm chữa bệnh”.

Đang chăm sóc người thân bị bệnh phải nằm viện, nhưng do gia đình hoàn cảnh khó khăn nên bà Nguyễn Thị Bê (xã Phú Long, Phú Tân) phải chi tiêu hết sức dè dặt, để dành tiền chăm lo cho người bệnh. Vì vậy gần 3 tuần nay, ngày 2 buổi bà đều đến nhận cơm ở bếp ăn.

Bà Bê tâm sự: “Có bếp ăn từ thiện ở đây nên tôi đỡ tốn tiền cơm để tập trung lo cho người thân. Cơm nấu rất ngon, món ăn thường xuyên thay đổi đầy đủ dinh dưỡng. Tôi biết ơn mọi người ở bếp ăn nhiều lắm”.

Không chỉ riêng các tổ chức hội, đoàn thể mà còn có rất nhiều những cá nhân với tấm lòng thiện nguyện cùng chia sẻ khó khăn qua những suất cơm ấm ấp lòng người.

Điển hình như quán cơm chay miễn phí Phước Thiện do ông Nguyễn Văn Tấn (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, An Giang) khởi xướng và phụ trách. Nằm gần Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Trường Đại học An Giang, Trường Cao đẳng Y tế An Giang nên mỗi ngày quán phục vụ miễn phí không chỉ là người nhà bệnh nhân, học sinh, sinh viên xa nhà có hoàn cảnh khó khăn mà còn có cả những lao động có thu nhập thấp, như: phụ hồ, người bán vé số, chạy “xe ôm”...

Theo ông Tấn, mỗi ngày có gần 1.000 suất cơm miễn phí được trao đi. Tất cả chi phí đều do ông cùng gia đình, người thân, bạn bè và những người hảo tâm đóng góp. Người có tiền góp tiền, không tiền thì góp gạo, rau… mỗi người một ít để duy trì hoạt động. Cùng với đó là tấm lòng thiện nguyện của 20 cô chú từ khắp các địa phương trong tỉnh, mỗi ngày có mặt từ lúc 2 giờ sáng để tiếp nhận đồ dùng và phục vụ nấu ăn.

Cô Trần Thị Huệ (63 tuổi) có mặt ở quán cơm chay miễn phí Phước Thiện từ khi đi vào hoạt động đến nay. Phụ từ việc lớn đến việc nhỏ nhưng với cô Huệ vất vả, mệt nhọc không là gì so với ý nghĩa công việc cô đang làm. Cô Huệ vui vẻ cho biết: “Thấy mọi người ăn no, mình cũng vui theo, thành ra làm hoài không thấy mệt. Tôi sẽ phụ bếp đến chừng nào không làm nổi nữa, công việc này chính là niềm vui lúc về già”.

Ông Nguyễn Văn Đô (64 tuổi, bán vé số dạo ở TP. Long Xuyên) thường xuyên đến quán cơm chay miễn phí chia sẻ: “Hàng ngày đi bán vé số, tôi thường đến đây ăn cơm rồi đi bán tiếp. Người phát cơm ở đây rất vui vẻ, niềm nở, đồ ăn thì ngon. Nhờ có quán cơm chay miễn phí, tôi có những bữa ăn no bụng, đỡ được một phần tiền để dành mua thuốc và lo cho gia đình. Tôi rất biết ơn và hy vọng sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa những bếp cơm đầy nghĩa tình như thế này”.

TRỌNG TÍN