Ấm lòng với “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”

21/04/2020 - 14:45

Bà Nguyễn Thị Hương (Ban tổ chức "Siêu thị hạnh phúc 0 đồng" tại TP HCM) chia sẻ: "Đây là hoạt động do Công ty Apec Group phát động. Ngoài ra, cũng có rất nhiều nhà hảo tâm khi biết chương trình đã ủng hộ cho siêu thị. Người thì góp gạo, người góp mỳ chính… mỗi người một ít, nhờ đó mà siêu thị đầy hàng hơn và có thể phục vụ cho nhiều người dân hơn".

 

 

“Siêu thị hạnh phúc 0 đồng” chính thức chào đón những vị khách đầu tiên vào sáng 21-4. Siêu thị được đặt trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm (339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP HCM).

Người dân giữ khoảng cách 2 m để đảm bảo an toàn

Siêu thị hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, buổi sáng phục vụ từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ. Mỗi người sẽ được chọn mua hàng hóa với tổng giá trị thực của sản phẩm không quá 100.000 đồng và không mua quá 2 lần/tháng.

Người đến mua hàng được nhân viên hướng dẫn thực hiện khai báo y tế, xếp hàng cách nhau 2 m, đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình mua hàng. Để tránh tụ tập đông người, mỗi lần chỉ có từ 2 đến 3 người vào mua hàng.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh (ngụ quận 10) vui mừng: "Mua nhiều đồ vậy mà không tốn đồng nào. Dịch bệnh nghỉ làm, ở nhà hoài nên không có tiền. Được mấy cô chú bên phường chỉ tới đây mua đồ miễn phí, tôi mừng lắm".

Siêu thị sẽ phát cho mỗi người đến mua hàng 1 tấm phiếu, người mua sẽ chọn những món cần thiết, phù hợp với nhu cầu của gia đình. Sau đó, nhân viên sẽ hướng dẫn người mua hàng lấy đồ trên các kệ hàng.

Hàng hóa luôn được các tình nguyện viên bổ sung lên kệ hàng

Hàng hóa được bày biện tươm tất trên các kệ hàng của siêu thị

Người dân chọn mua hàng tại “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”

Người dân vui vẻ ra về với nhiều thực phẩm trên tay, tất cả đều với giá "0 đồng"

Tranh thủ thời gian được nghỉ làm do dịch Covid-19, chị Huỳnh Thị Thanh Nhàn (24 tuổi) đã đăng kí tham gia làm tình nguyện viên tại “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”. Chị Nhàn chia sẻ: “Mình cảm thấy rất vui khi được giúp đỡ các cô chú lớn tuổi, các gia đình khó khăn. Thấy người ta vui mà mình cũng vui lây”.

Theo LÊ VĨNH (Người lao động)