Ấm lòng với thương hiệu “0 đồng”

18/12/2019 - 07:41

 - Đến nay, chỉ tính riêng ở huyện Tri Tôn đã có 8 “Cửa hàng 0 đồng - thừa thì cho, thiếu thì nhận” được mở ra tại trung tâm huyện và các xã. Mô hình này không chỉ giúp đỡ cho lao động nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm quần áo lành lặn để mặc, mà còn trở thành địa chỉ tin cậy để những tấm lòng hảo tâm gửi gắm tình thương, cùng chung tay sẻ chia vì cộng đồng.

Sau khi tham khảo nhiều mô hình từ thiện, cửa hàng miễn phí phục vụ người nghèo, ông Phạm Tấn Đức (Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Tri Tôn) quyết định chọn khai trương “Cửa hàng 0 đồng - thừa thì cho, thiếu thì nhận” ngay địa phương. Theo ông Đức, nhờ hoạt động hiệu quả mà cửa hàng luôn nhận được sự ủng hộ, tiếp sức từ đông đảo từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. “Những chuyến xe chở quần áo, mền... cứ đều đặn được chuyển ở nhiều nơi về để duy trì hoạt động của các cửa hàng. Có khi là ở TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang) hay TP. Châu Đốc... nhờ vậy mà nguồn hàng ở các cửa hàng cũng phong phú. Hiện nay, kho quần áo có sẵn 5-7 tấn, đủ lượng cung cấp cho các cửa hàng ở xã” - ông Đức cho biết.

Người dân khi cần cứ đến thoải mái lựa chọn quần áo miễn phí cho mình

Cửa hàng chỉ nghỉ vào thứ 2 và 5, tất cả các ngày còn lại trong tuần đều được mở cửa suốt để phục vụ những người cần, theo đúng tinh thần “cũ người, mới ta”. “Thứ 7, chủ nhật cửa hàng sẽ mở cửa suốt để phục vụ bà con vì đây là ngày nghỉ họ mới có thời gian đến lựa được bộ đồ cho mình, cho gia đình”- ông Đức thông tin. Bên cạnh việc phục vụ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận các vật phẩm như quần áo, giày dép trực tiếp, cửa hàng còn tặng thêm các phần quà từ ủng hộ của những nhà hảo tâm cho hộ nghèo. Không chỉ phục vụ tại chỗ, cửa hàng tiếp tục phục vụ ở vùng sâu, vùng xa trong huyện bằng xe lưu động. “Đồ ở đây còn mới lắm, tranh thủ ngày nghỉ tôi lại lựa vài bộ đồ cho mình với ông chồng ở nhà để bận cho tươm tất, lựa thêm cho đứa con cái áo gió bận cho ấm. Cám ơn tấm lòng của mọi người đối với những người khó khăn như gia đình tôi” - chị Nguyễn Thị Hồng (xã Núi Tô, Tri Tôn) cảm động nói.

Bằng việc tích cực nhân rộng “Cửa hàng 0 đồng - thừa thì cho, thiếu thì nhận” phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa thì với uy tín và kinh nghiệm, ông Đức cùng các thành viên trong hội vận động nguồn vốn từ khắp nơi chăm lo nhà ở, quà tặng, hỗ trợ đột xuất cho người khó khăn trên địa bàn. Cửa hàng 0 đồng, những chuyến xe chuyển bệnh 0 đồng, “Tủ bánh mì chả lụa và bánh bao 0 đồng” trước cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn, hoạt động bất kể ngày mưa hay nắng... đã tạo nên thương hiệu “0 đồng” cho những con người sống vì người khác. Ông Đức cho biết, thói quen đi làm các việc thiện như đã thấm sâu vào trong máu thịt, càng làm càng thấy vui khi cùng các thiện nguyện viên góp sức cống hiến vì cộng đồng. Đội ngũ tình nguyện viên của hội thu hút rất nhiều cán bộ hưu trí tham gia.

Bà Huỳnh Mỹ Khanh (giáo viên đã nghỉ hưu 12 năm là trưởng nhóm tình nguyện viên) cho biết, mọi người không ai bảo ai, thấy công việc phù hợp thì bắt tay vào làm. Hàng ngày, thành viên chia nhau trực tại các cửa hàng, tiếp nhận và phân loại đồ, xếp quần áo, chuẩn bị các phần quà cho mỗi chuyến phục vụ lưu động ở vùng sâu. Từ thứ 2 đến 6 hàng tuần, đều đặn từ sáng sớm, bà Khanh còn tham gia phát bánh mì miễn phí cho người nhà bệnh nhân tại cổng Bệnh viện Đa khoa huyện. “Được gia đình ủng hộ nên tôi theo các anh, chị rất thường xuyên, nhìn thấy người nghèo có niềm vui tôi cũng vui theo” - bà Khanh chia sẻ.

Họ là những con người làm việc không hưởng lương, cứ như những chú ong cần mẫn, thức khuya, dậy sớm mà không hề than vẫn đến nửa câu. Niềm vui của những công việc thiện nguyện là nhìn thấy được niềm vui của người khác, của những người có hoàn cảnh khó khăn được mọi người chung tay tương trợ, vượt qua nghịch cảnh bệnh tật. “Cửa hàng 0 đồng” là một ý tưởng nhân văn, đem lại ý nghĩa thiết thực khi người đang dư dả sẽ không lãng phí đồ đạc của mình, còn người nghèo thêm ấm lòng đón nhận sự sẻ chia trong lúc thiếu thốn.

ÁNH NGUYÊN