Ấm tình làng quê

01/06/2023 - 04:59

 - Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền và đoàn thể xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) luôn chú trọng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Là địa phương nông thôn của huyện, người dân xã Mỹ Đức phần nhiều sinh sống bằng nghề nông. Trong đó, một bộ phận lao động tự do có đời sống khó khăn. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn chú trọng chăm lo, hỗ trợ họ thông qua các hoạt động thiết thực.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Huỳnh Văn Út cho biết: “Chúng tôi thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, như: Hỗ trợ đột xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; cất nhà Đại đoàn kết, nhà An vui; chế độ đối với gia đình chính sách, người có công; giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Từ đó, đã cổ vũ, phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”, sự chung tay và sẻ chia của cộng đồng đối với hộ khó khăn, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống”.

Muốn làm được điều đó, xã Mỹ Đức đẩy mạnh vận động Quỹ Vì người nghèo, huy động nguồn lực tối đa. Năm 2022, địa phương vận động, tiếp nhận trên 825 triệu đồng, dùng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3 nhà Đại đoàn kết, tặng 1.880 phần quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác; thăm hỏi, trợ giúp thường xuyên cho 559 lượt người.

Riêng những tháng đầu năm 2023, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo xã Mỹ Đức vận động được 822 triệu đồng, cất 6 nhà Đại đoàn kết, 1 nhà An vui, tặng 1.895 phần quà Tết; thăm hỏi, trợ giúp thường xuyên cho 626 lượt người… Ngoài ra, từ các nguồn vốn ủy thác, hội, đoàn thể xã đề nghị phát vay cho 1.389 hộ dân, tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.

Những hoạt động chăm lo thiết thực đối với người dân lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thu hút nhiều tổ chức tôn giáo, đơn vị, cá nhân góp sức. Điển hình, gần đây Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Mỹ Đức hỗ trợ 2 nhà Đại đoàn kết; phối hợp cá nhân hảo tâm cất mới 5 nhà Tình thương cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; chùa Phật Ân hỗ trợ 1 nhà An Vui. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo, cá nhân trên địa bàn xã còn hỗ trợ quà, gạo, nhu yếu phẩm cho hộ khó khăn, tặng văn phòng phẩm, xe đạp cho học sinh nghèo…

Bà Quách Thị Lụa (ấp Mỹ Phó) vừa nhận được căn nhà An vui. Đúng như tên gọi của căn nhà, bà Lụa giờ đã sống an vui trong mái ấm mới: “Cám ơn chính quyền địa phương và nhà hảo tâm hỗ trợ căn nhà đàng hoàng để tôi che mưa, tránh nắng. Đây là niềm vui lớn, từ giờ tôi yên tâm lo làm lụng, không còn lo lắng ngày mưa bão nữa”.

Bên cạnh công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể xã Mỹ Đức chi trả trợ cấp hàng tháng cho 68 người có công, hỗ trợ quà Tết cho 403 người. Từ nguồn kinh phí của UBND huyện, nguồn vận động xã hội hóa, UBND xã phối hợp thăm, tặng quà hơn 100 gia đình chính sách.

Ông Huỳnh Văn Út thông tin thêm: “Ngoài việc chăm lo, hỗ trợ khó khăn cho người dân, chúng tôi chú trọng xây dựng, nâng cấp cầu, đường nông thôn phục vụ dân sinh. Bằng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian gần đây, UBND xã láng nhựa đường Rạch Mang Cá (dài trên 1km, kinh phí trên 1,2 tỷ đồng); cải tạo, sửa chữa đường Bắc Cần Thảo (kinh phí gần 370 triệu đồng), lắp đèn năng lượng mặt trời trên tuyến đường này (dài trên 8km, kinh phí trên 530 triệu đồng). Trong đó, người dân đóng góp ngày công lao động, tiền và vật tư vào các công trình trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, UBND xã còn phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng bê-tông tuyến đường Lê Văn Cường, kinh phí gần 1 tỷ đồng, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân tốt hơn”.

Từ những kết quả tích cực đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Mỹ Đức tiếp tục chăm lo nhiều hơn nữa cho người dân. Đó là tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về trách nhiệm thực hiện công tác an sinh xã hội, xác định đây là nhiệm chính trị quan trọng phải được thực hiện song song với các nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, kéo giảm số hộ nghèo, cận nghèo theo lộ trình; lồng ghép chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã với công tác giảm nghèo; quan tâm đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo; phát huy hiệu quả Quỹ Vì người nghèo, huy động nguồn lực xã hội chăm lo tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn.

MỸ LINH