Từ xa xưa yến sào được xếp vào "sơn hào, hải vị", chỉ được dùng cho các bậc vua chúa, trong các buổi tiệc đón khách quý, tầm cỡ được gọi là "yến tiệc".
Phát hiện nhiều tác dụng mới
Các tài liệu chứng minh trong yến sào có các thành phần: acid amin, carbohydrate, các chất khoáng, nguyên tố vi lượng…, những thành phần này tạo ra các công dụng của yến sào.
Về giá trị dinh dưỡng, yến sào cung cấp các acid amin thiết yếu góp phần trong giai đoạn phát triển, phòng chống bệnh tật và phục hồi sức khỏe cho con người. Yến sào có chứa nhiều protein và các acid amin không thay thế như: Arginine, Leucine, Phenylalamine, Threonine, Valine… với hàm lượng rất cao (34,31%). Bên cạnh đó, còn hình thành các hormone sinh trưởng, giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh như thành phần khoáng chất (canxi, sắt...), nguyên tố vi lượng (kẽm, crom…) với hàm lượng cao.
Yến sào được hấp thụ tốt vào buổi sáng
Ngoài ra, yến sào còn tăng cường miễn dịch. Theo nghiên cứu khoa học được công bố gần đây, yến sào còn có khả năng kháng ung thư và hỗ trợ điều trị ung thư, điều hòa huyết áp, đường huyết, kháng virus, chống lão hóa, đẹp da, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, tăng cường chức năng sinh lý…
Vốn là thực phẩm bổ dưỡng nên yến sào hỗ trợ giúp bổ sung các chất dinh dưỡng khi cơ thể không cung cấp đủ (sau khi ốm đau, ăn uống kém) hoặc cần bổ sung đều đặn thay cho các nguồn bổ sung khác.
Lạm dụng, bệnh nặng thêm
Tuy nhiên, một số trường hợp coi yến sào như một phương thuốc và lầm tưởng rằng có thể sử dụng để chữa bệnh là quan niệm sai lầm, bởi chưa có sản phẩm nào từ yến sào công bố là thuốc nên không thể dùng để chữa bệnh.
Cùng với đó, khi sử dụng cần mua những sản phẩm bảo đảm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ và cần chế biến đúng cách. Đặc biệt, yến sào không thay thế thuốc, không thay thế các nguồn dinh dưỡng hằng ngày.
Trước quan điểm nhiều người cho rằng ăn tổ yến càng nhiều thì càng bổ dưỡng, điều này chưa chính xác. Bởi nhu cầu dinh dưỡng của từng đối tượng, giai đoạn phát triển cơ thể, tình trạng bệnh lý, dinh dưỡng, khả năng hấp thu của từng cá nhân khác nhau. Vì vậy, không thể bổ sung lượng dinh dưỡng, vi chất khi cơ thể không cần hoặc đã đủ hoặc dùng quá nhiều, dùng trong thời gian dài.
Lưu ý, một số đối tượng không nên dùng yến sào gồm: trẻ dưới 1 tuổi vì hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện để hấp thu; người có các bệnh lý về đường tiêu hóa; các bệnh lý liên quan chức năng gan, thận suy yếu; phụ nữ ba tháng đầu thai kỳ. Lý do, thực phẩm chứa quá nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất đạm như tổ yến sẽ dễ làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Để được hấp thu tốt nên ăn yến sào vào thời điểm sau khi vận động nhiều hoặc vào bữa sáng. Lưu ý, không nên sử dụng tổ yến sau khi ăn no vì khả năng hấp thụ lúc no bụng là rất kém…
Coi chừng quá tải
Không thể dùng yến sào để thay thế nguồn dinh dưỡng hằng ngày bởi sẽ khiến cơ thể quá tải dung nạp và chuyển hóa, đào thải... Nếu sử dụng đều đặn với lượng vừa phải sẽ bảo đảm cung cấp dinh dưỡng và không gây cảm giác no. Thời gian kéo dài từng đợt tùy cơ thể mỗi người nhưng mỗi lần không kéo dài liên tục quá 3 tháng.
|
Trần Thanh Hương (Dược sĩ chuyên khoa 2, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM)
Theo Người lao động