COVID-19 tới 6h sáng 19-8:

Ấn Độ có ca mới cao nhất thế giới, Hàn Quốc 'nóng' trở lại

19/08/2020 - 08:27

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 227.978 ca mắc COVID-19 và 5.627 ca tử vong. Tình hình dịch ở Ấn Độ vẫn căng thẳng với trên 65.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ, trong khi Hàn Quốc tăng mạnh trở lại các ca lây nhiễm cộng đồng.


 Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại công viên Sunset ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 13-8-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 19-8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 22.271.486 ca, trong đó có 782.830 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 15.023.033 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 62.269  và 6.465.623 ca đang điều trị tích cực.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (65.022 ca), Brazil (44.119 ca) và Mỹ (38.728 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.234 ca), tiếp theo là Mỹ (1.149 ca) và Ấn Độ (1.098 ca). 

Châu Mỹ: Chưa đầy một nửa người Mỹ nói sẽ tiêm vaccine COVID

Theo khảo sát mới nhất do kênh NBC News tiến hành và công bố ngày 18-8, không đầy một nửa người Mỹ trưởng thành cho biết họ sẽ tiêm vaccine COVID-19 sau khi chính phủ cấp phép. Cụ thể, chỉ 44% số người được hỏi cho biết sẽ tiêm vaccine, 22% khẳng định không và 32% cho biết chưa chắc chắn có tiêm hay không. Tuy nhiên, tỉ lệ này thay đổi rõ rệt với các nhóm sắc tộc khác nhau, trong đó có 58% người Mỹ gốc Á nói sẽ tiêm vaccine, trong khi chỉ có 8% cho biết sẽ không tiêm; 27% số người được hỏi chưa quyết định.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, một số trường học tại Mỹ đã buộc phải ngừng hình thức giảng dạy trực tiếp trong bối cảnh số ca COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày vẫn ở mức cao tại nhiều bang. Đây được xem là một thách thức đối với kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Tới 6h sáng 19-8 (theo giờ Việt Nam), nước Mỹ ghi nhận tổng cộng 5.650.703 ca COVID-19, bao gồm 174.865 ca tử vong.Tại Brazil, Thị trưởng thành phố Sao Paulo, Bruno Covas, ngày 18-8 thông báo các trường học công lập trong thành phố sẽ tiếp tục ngừng mở cửa đến tháng 10. Quyết định này được đưa ra bất chấp chính quyền bang cho phép các trường học có thể mở cửa lại trong tháng 9, với 35% công suất. 

Tới ngày 18-8, bang Sao Paulo ghi nhận ít nhất 711.530 ca mắc COVID-19, trong đó 27.315 ca tử vong. Trong khi đó, toàn Brazil hiện có 3.407.354 ca nhiễm và tổng số ca tử vong đã lên tới 109.888 trường hợp.

Châu Âu: Đức loại trừ nới lỏng, Pháp siết chặt khẩu trang

Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo có thể không nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 khi nước này đang phải đối phó với sự gia tăng số ca nhiễm, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.

Phát biểu với báo giới tại Duesseldorf ngày 18-8, Thủ tướng Merkel nêu rõ số ca nhiễm trên khắp nước Đức đã tăng gấp đôi trong 3 tuần qua và cần phải ngăn chặn ngay lập tức  xu hướng này đang lo ngại này. Bà nhắc nhở người dân cần đeo khẩu trang và tuân thủ các hướng dẫn về quy định cách ly. 

Cùng ngày, Chính phủ Pháp cho biết nước này sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc khi người dân chuẩn bị trở lại công sở. Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne cho biết theo khuyến cáo của hội đồng y tế cộng đồng, khi người dân sẽ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Hè tháng 8 này, đeo khẩu trang sẽ trở thành việc bắt buộc tại các nơi làm việc kín, như các phòng họp, phòng có vách ngăn, hành lang kín... Gần đây, giới khoa học nhất trí rằng virus SARS-CoV-2 lây truyền không chỉ qua những giọt bắn lớn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, mà cả qua những giọt nhỏ hơn vốn có thể lơ lửng trong không khí khi người bệnh thở ra.

Trước đó, Pháp đã áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và ở các phòng kín như cửa hiệu và văn phòng của chính phủ. Nhưng giới chuyên gia kêu gọi chính phủ đưa ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các không gian, từ nơi làm việc đến phòng học, các khu chợ thực phẩm, các con phố đông người và các điểm du lịch, đồng thời khuyến khích làm việc từ xa.

Cùng ngày 18-8, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Lukasz Szumowski đã thông báo từ chức. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi Thứ trưởng Janusz Cieszynski cũng tuyên bố sẽ rời nhiệm sở. Việc các quan chức Bộ Y tế Ba Lan từ chức diễn ra vào thời điểm ngày càng có nhiều chỉ trích về cách thức đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền ứng phó với đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn ở mức cao.

Phần Lan dự trữ thuốc giảm đau dự phòng dịch COVID-19 tái bùng phát

Nhằm đảm bảo duy trì đủ nguồn cung trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tiếp theo, các cơ quan quản lý dược phẩm tại Phần Lan sẽ siết chặt hoạt động mua bán một số loại thuốc giảm đau phổ biến trong nước.

Trong thông báo ngày 18-8, Bộ Y tế Phần Lan cho biết những người sử dụng thuốc giảm đau paracetamol và thuốc chống viêm Dexamethasone sẽ chỉ được phép mua số lượng thuốc tối đa sử dụng cho 3 tháng trong một lần mua thuốc. Quy định đặc biệt này sẽ được áp dụng ngay lập tức và kéo dài tới tháng 1/2021. Bộ trên nêu rõ quy định này nhằm "chuẩn bị cho sự gia tăng về nhu cầu thuốc có thể xảy ra trên toàn cầu" khi số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được dự báo có thể tăng đột biến trong mùa Thu và mùa Đông tới đây. 

Nga: Bộ trưởng Năng lượng mắc COVID-19

Ngày 18-8, Nga xác nhận Bộ trưởng Năng lượng nước này - ông Alexander Novak có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Novak nhận được kết quả xét nghiệm sau khi đến Blagoveshchensk, vùng Viễn Đông của Nga, để tham dự một cuộc họp chính phủ cũng như khai trương một dự án hóa dầu. Hiện Bộ trưởng Novak đã quay trở về thủ đô Moskva.

Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 4.748 ca mắc COVID-19 và 132 người tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 932.493 và 15.872. Hiện Nga là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 4 thế giới.

Tại Anh, nhà chức trách cũng mới phát hiện hơn 70 người mắc COVID-19 tại một nhà máy sản xuất món tráng miệng tại Nottinghamshire ở Đông Midlands, vùng England. Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) đã thiết lập một điểm xét nghiệm ngay tại nhà máy. Hiện 701 trong tổng số 1.600 nhân viên làm việc trong nhà máy đã được xét nghiệm.

Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng hơn 319.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 41.000 ca tử vong. Hiện chính phủ nước này vẫn liên tục áp dụng linh hoạt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và đẩy nhanh các nỗ lực phát triển một loại vaccine phòng bệnh hiệu quả. 

Châu Á "nóng" tình hình Ấn Độ, Philippines

Tại châu Á, ngày 18-8, Ấn Độ ghi nhận  tới 65.022 ca mắc mới COVID-19 và 1.098 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 2.766.626 ca, bao gồm 53.023 trường hợp tử vong.

Trong khi đó cùng ngày Philippines đã ghi nhận thêm 4.836 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, nước này có hơn 3.000 bệnh nhân nhiễm mới trong 1 ngày. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 169.213, trong đó có 2.687 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, Indonesia cũng ghi nhận thêm 1.673 ca mắc COVID-19 và 70 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này lên lần lượt là 143.043 và 6.277.

Số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc những ngày gần đây đã tăng mạnh trở lại trong bối cảnh các ổ dịch liên quan đến các nhà thờ ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận không có dấu hiệu suy giảm. Ngày 18-8, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo thêm 246 ca mắc mới, trong đó 235 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc lên 15.761 người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức ba con số. Trong số các ca nhiễm mới, có 131 ca ở thủ đô Seoul, 52 ca ở tỉnh Gyeonggi và 18 ca ở thành phố Incheon vùng phụ cận Seoul. 

Khu vực Trung Đông, ngày 18-8, nhà chức trách Liban đã thông báo về việc áp dụng lệnh phong tỏa mới và lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19. Những biện pháp mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 21-8 và sẽ kéo dài trong thời gian 2 tuần. Động thái này được cho là sẽ không ảnh hưởng tới công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ nhân đạo sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4-8.

Liban đã chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 đặc biệt trong những ngày gần đây. Hiện tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này là 9.758 người, trong đó có 107 ca tử vong. Bộ trưởng Y tế Liban Hamad Hassan đã cảnh báo rằng nhiều bệnh viện đã đạt mức công suất tối đa trong điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Tại châu Đại Dương, tình hình có dấu hiệu cải thiện ở Australia. Ngày 18-8, bang Victoria, bang đông dân thứ hai tại Australia, ghi nhận số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở mức thấp nhất trong 1 tháng qua, thắp lên hy vọng làn sóng lây nhiễm thứ hai đang dần lắng dịu. Cụ thể, có 222 ca mắc mới tại bang Victoria, ít hơn 60 ca so với một ngày trước đó. Số ca tử vong mới ghi nhận là 17 ca, cũng ít hơn so với 25 ca ghi nhận ngày 17-8 - mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18-8 đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng tốc độ lây lan của dịch COVID-19 do những người trong độ tuổi 20, 30 và 40 gây ra, cho rằng phần lớn những người này không có triệu chứng bệnh và không biết mình bị mắc bệnh, do vậy đang gây nguy hiểm cho những nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh.

Cụ thể, theo WHO, tỷ lệ những người trẻ tuổi bị mắc bệnh COVID-19 đã gia tăng trên toàn cầu, gây rủi ro cho những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nặng nề như người già và những người ốm yếu tại những khu vực đông dân cư có hệ thống y tế hoạt động yếu kém.

Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhấn mạnh đây là dấu hiệu cho thấy thế giới đang bước vào một giai đoạn mới của dịch COVID-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo ông, các nước có thể hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với cuộc sống của con người và nền kinh tế bằng cách kết hợp các biện pháp phát hiện sớm và kiểm soát các ca mắc bệnh.

Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)