An Giang bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo

09/01/2023 - 05:04

 - Năm 2012, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 1419/QĐ-TTg; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Thực hiện tốt công tác quản lý

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, 10 năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo đạt nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể, bảo tồn thường xuyên các di tích đã lộ thiên; tích cực giải phóng mặt bằng (diện tích đất thu hồi gần 10ha liên quan đến 46 hộ dân) để có đất sạch bàn giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Đơn vị khai quật khảo cổ theo Đề án nghiên cứu cấp quốc gia (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) từ năm 2017-2020. Hoàn thành giai đoạn 1 việc xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, quảng bá và trưng bày văn hóa Óc Eo, góp phần phát huy giá trị di sản, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm dấu tích văn hóa Óc Eo, phân bố khắp nơi. Để thuận tiện trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo kiểm kê di sản văn hóa để nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục từng di tích. Năm 2020, UBND tỉnh công bố danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm, di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2020-2025) tại Quyết định 2252/QĐ-UBND, ngày 23/9/2020.

Theo đó, có 84 di tích được kiểm kê, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, đơn vị chuyên môn phối hợp Viện Khoa học Công nghệ Vinasa tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ 84 điểm di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh, giúp cho công tác quản lý được tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tra cứu thông tin, hướng dẫn điểm đến các di tích.

Bên cạnh đó, việc ban hành kịp thời văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến văn hóa Óc Eo giúp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn vận dụng, cụ thể hóa vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo.

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Năm 2017, UBND tỉnh ký quyết định xếp hạng 2 di tích cấp tỉnh, gồm: Di tích Đá Nổi (xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) và di tích gò Cây Tung (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên). Đây là 2 địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu của địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn thực hiện tốt công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; thực hiện dự án bảo tồn, phát huy các di tích văn hóa Óc Eo cấp tỉnh trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Qua đó, góp phần bảo vệ điểm di tích, di vật đã phát lộ của Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.

Nghiên cứu, khảo sát, mở rộng 3 phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, chỉnh lý hồ sơ và bổ sung, làm rõ giá trị liên quan đến di tích. Kết nối với  điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL, hình thành sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử - văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo.

Hiện nay, dự án bảo tồn và phát huy di tích cấp tỉnh trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án là tập hợp đề xuất biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và yếu tố khác có liên quan nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Các đơn vị có liên quan đang phối hợp để chuẩn bị đầu tư.

Công tác bảo tồn Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê hiện nay được quan tâm. Những năm qua (2014-2022), thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo thực hiện 10 đợt bảo quản định kỳ và bảo quản thường xuyên di tích đang được trưng bày, như: Di tích gò Cây Thị A&B, di tích Nam Linh Sơn, di tích Gò Tháp An Lợi. Ngoài ra, một số dấu tích kiến trúc dễ bị hủy hoại được lấp cát để bảo vệ thuộc các điểm di tích đã khai quật, như: Di tích gò Đế, một số khu vực xung quanh gò Óc Eo, gò Giồng Trôm, gò A1, gò A3, gò Giồng Cát…

Ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương. Các dự án đã và đang triển khai tại đây đem lại hiệu quả nhất định, khu di tích được bảo vệ tốt hơn, ngày một khang trang hơn. Trong đó phải kể đến các dự án, như: Xây dựng mái che tại di tích Nam Linh Sơn, gò Cây Thị, dự án xây dựng Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo, dự án đầu tư xây dựng Khu di tích Văn hóa Óc Eo…

Nhìn chung, các dự án đầu tư về bảo tồn tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê nói riêng, di tích văn hóa Óc Eo khác trong tỉnh nói chung chủ yếu tập trung vào biện pháp quản lý, bảo vệ, như: Khoanh vùng bảo vệ di tích, xây dựng nhà trưng bày, xây dựng mái che…

“Trong điều kiện hiện nay, các dự án này là rất cần thiết, đảm bảo hiện vật văn hóa Óc Eo được bảo quản kịp thời. Một số điểm di tích được bảo tồn tại chỗ, khai thác và phát huy giá trị di tích. Hy vọng thời gian tới, việc triển khai quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê với những dự án nghiên cứu sâu sẽ giúp Khu di tích vừa được bảo tồn tốt, vừa khai thác được tiềm năng phát triển du lịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư mong muốn.

MINH THƯ