Ngành y tế thực hiện tốt bảo vệ, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang thành lập và hoạt động từ tháng 10/2019 trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị y tế tuyến tỉnh (y tế dự phòng, kiểm dịch y tế quốc tế, truyền thông - giáo dục sức khỏe, sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS). Các hoạt động y tế trường học được quan tâm đẩy mạnh. Tăng cường phân bổ ngân sách cho hoạt động y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế - dân số; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế dự phòng tuyến tỉnh, y tế tuyến cơ sở, từ đó chủ động trong hoạt động y tế dự phòng, nâng cao năng lực chuyên môn.
Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi, duy trì tốt kết quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, thanh toán mù lòa do thiếu vitamin A; hạn chế số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương, như: Thương hàn, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, lỵ, tiêu chảy... Đặc biệt, trong năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở cả nước, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khống chế được dịch bệnh; công nhận đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong. Chủ động trong dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, đẩy mạnh quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính...
Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện. Mạng lưới KCB tiếp tục được đầu tư phát triển điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn kỹ thuật. Đến nay, tổng số giường bệnh toàn tỉnh (tính cả bệnh viện tư nhân) là 5.107 giường, tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân đạt 26,59 giường bệnh.
Cùng với phát triển cơ sở vật chất, quy mô giường bệnh, nhiều dịch vụ y tế với kỹ thuật cao chuyên sâu đã phát triển thông qua sự chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, như: Phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Tim mạch An Giang, kỹ thuật tim mạch can thiệp, áp dụng thành công khoan mảng vữa động mạch vành bằng mũi khoan kim cương tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang...
Một số bệnh viện tuyến tỉnh đã được Bộ Y tế phê duyệt đưa vào danh mục bệnh viện vệ tinh cho bệnh viện tuyến Trung ương, gồm: Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang làm bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở, giúp nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ y tế, giảm tỷ lệ chuyển viện, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố hoàn thiện, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, 155/156 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế xã (đạt tỷ lệ 99,4%). Triển khai mạng lưới phòng, chống đột quỵ; nâng cao chất lượng KCB. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ sở KCB. Mạng lưới cơ sở y tế ngoài công lập ngày càng phát triển và từng bước phát triển quy mô, nâng chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 5 bệnh viện tư nhân, với 590 giường bệnh, đạt 3,07 giường/10.000 dân. Các bệnh viện công lập tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, thực hiện tốt việc hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật và đào tạo cho các cơ sở hành nghề y ngoài công lập.
Theo Sở Y tế An Giang, mạng lưới quản lý nhà nước về y học cổ truyền được hoàn thiện. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền 100 giường bệnh đang triển khai thực hiện. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, 2 Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh đều có Khoa Y học cổ truyền, 10 Trung tâm Y tế huyện đa chức năng có Tổ y học cổ truyền, 96% Trạm Y tế xã đều có tổ chức KCB bằng y học cổ truyền. Toàn tỉnh có 145/156 xã đạt chuẩn tiên tiến về y học cổ truyền (đạt 92,95% số xã).
Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế tập trung, đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời về số lượng thuốc, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, KCB. Đồng thời, bảo tồn và phát triển vùng trồng dược liệu của tỉnh; phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế, phối hợp các trường: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Cần Thơ, Khoa Y (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)... đào tạo cán bộ y tế đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển.
UBND tỉnh An Giang cho biết, phấn đấu từ nay đến năm 2030, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống người dân. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế, góp phần cải thiện chất lượng giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội.
HẠNH CHÂU