Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng người dân và doanh nghiệp
Theo đó, trên cơ sở đăng ký của các cơ quan, địa phương, Sở Nội vụ thực hiện 4 lớp bồi dưỡng cho 360 công chức, viên chức tham dự, diễn ra từ ngày 13-9 đến 6-10 (mỗi lớp học 3 ngày), theo hình thức trực tuyến. Các học viên là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận “một cửa” tỉnh, huyện, xã được bồi dưỡng, trang bị những kiến thức chuyên sâu về: các chỉ số CCHC; tổ chức hoạt động và nhân sự tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; tổ chức hội họp và sự kiện; hướng dẫn xây dựng đề án, dự án về CCHC; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC; theo dõi, đánh giá và kiểm tra công tác CCHC; phương pháp xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả trong khu vực công; tổng hợp, báo cáo CCHC; kỹ năng giao tiếp và hoạt động công vụ.
Đồng thời, được nghe báo cáo phân tích, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về các Chỉ số CCHC (PAR-INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT-INDEX) của tỉnh cho cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và xã.
100% học viên tham gia khóa học chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định, tích cực thảo luận, trao đổi ý kiến về các nội dung theo từng chuyên đề. Đặc biệt, lớp học đã dành thời gian để tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí đánh giá của các bộ chỉ số: PAR-INDEX, PCI, PAPI, SIPAS, ICT-INDEX năm 2020. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém để từng bước cải thiện, nâng cao các chỉ số trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Hồng Yến, CCHC giữ vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định CCHC là một trong các khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Để đáp ứng mục tiêu CCHC của tỉnh An Giang, nhất là chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử trong tình hình hiện nay, việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ CCHC trong toàn tỉnh là yêu cầu rất cần thiết.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ cho biết, lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ công chức chuyên trách CCHC của các cơ quan, đơn vị. Bằng những kiến thức, kỹ năng được cập nhật, đội ngũ công chức chuyên trách CCHC sẽ nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là làm tốt hơn trong việc tham mưu kịp thời cho lãnh đạo đơn vị triển khai, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC gắn với thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Đồng thời, triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 163/QĐ-TTg. Chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh; đáp ứng đòi hỏi thực tiễn về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, lãnh đạo, quản lý và vận hành Chính phủ điện tử.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU