An Giang cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

02/09/2021 - 06:40

 - Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm ưu tiên của An Giang trong những năm qua. Tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, những tháng đầu năm 2021, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhân dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh cùng đồng lòng vượt qua khó khăn. An Giang thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 được 4.530 tỷ đồng (đạt 68% dự toán UBND tỉnh giao, 73% dự toán năm Bộ Tài chính giao và bằng 114% so với cùng kỳ). Điểm nổi bật, tính từ đầu năm đến ngày 15-6-2021, toàn tỉnh có 347 DN đăng ký mới và 236 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 4.535 tỷ đồng. So với cùng kỳ, số DN đăng ký giảm 16 đơn vị, nhưng tăng 29 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, số vốn đăng ký tăng 1.774 tỷ đồng (tăng 64,25%).

Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thuế. Theo Cục thuế tỉnh, ngành đã tăng cường ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế điện tử, giúp người nộp thuế tiện lợi gửi hồ sơ khai thuế, giảm bớt thời gian đến cơ quan thuế. 100% DN gửi hồ sơ khai thuế qua mạng. Ngoài ra, ngành thuế còn ứng dụng nộp thuế điện tử, kết nối với hơn 46 ngân hàng thương mại cả nước, hỗ trợ DN nộp thuế điện tử qua tài khoản ngân hàng.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thuế. Ảnh: H.C

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành xây dựng thẩm định 98 dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở. Tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Tổ chức thực hiện 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cấp 20.000 tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho hộ kinh doanh, DN đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng chia sẻ, đồng hành với 76.610 khách hàng vay, giúp khôi phục lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới (62.559 tỷ đồng, chiếm 72% tổng dư nợ).

An Giang thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành để giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời, ban hành Kế hoạch 74/KH-UBND hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa năm 2021; xây dựng chuyên mục “Trả lời vướng mắc pháp lý” tại chuyên trang DN của Cổng thông tin điện tử tỉnh (http://angiang.gov.vn/wps/portal/Home/doanh-nghiep/congkhai/tra-loivuong-mac-phap-lydn), xử lý kịp thời hơn 83 đề nghị giải đáp vướng mắc.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử tỉnh đã rà soát và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; kết nối với các hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc; kết nối liên thông giữa các phần mềm trong nội bộ tỉnh. Trục liên thông LGSP còn kết nối liên thông giữa Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử tỉnh với phần mềm, hệ thống quản lý chuyên ngành của bộ, ngành, Trung ương thông qua trục kết nối liên thông quốc gia (NGSP).

Tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: TRUNG HIẾU

Những tháng cuối năm 2021, An Giang tiếp tục triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các nghị quyết của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Hỗ trợ kịp thời DN gặp khó khăn do dịch COVID-19; đảm bảo nguồn vốn cho các ngành, lĩnh vực, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển dịch vụ, sản phẩm mới, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân, DN. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai dự án trên địa bàn, nhất là dự án lớn, có tính động lực và sự lan tỏa cao. Hỗ trợ, khuyến khích DN ứng dụng và đa dạng hóa phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mua bán trực tuyến; tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, An Giang rất cần các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu... Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu mang tính đặc thù, tách biệt với chính sách áp dụng cho vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến đường dẫn ra biên giới tạo điều kiện thuận lợi để DN tăng cường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.

HẠNH CHÂU