Các đại biểu tham dự buổi đối thoại
Người lao động trình bày kiến nghị tại buổi đối thoại
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi đối thoại với người lao động
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng trao quà tặng người lao động
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trao quà tặng người lao động
Báo cáo tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Hữu Giang cho biết, An Giang hiện có gần 66.000 công nhân lao động đang làm việc trong 230 đơn vị, doanh nghiệp khu vực sản xuất - kinh doanh có tổ chức Công đoàn, chiếm tỷ lệ trên 55% tổng số công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh.
Qua công tác khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, tỷ lệ công nhân lao động được ký hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đạt 91%/tổng lao động trong đợt khảo sát, tỷ lệ tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc đạt 98,4%/tổng lao động được ký hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận công nhân lao động làm việc chưa có hợp đồng lao động và chưa được tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm để được hưởng các chính sách và các quyền lợi hợp pháp khác từ nhà nước.
Thời gian qua, các cấp công đoàn của tỉnh luôn chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động trước tác động của dịch bệnh COVID-19 được quan tâm thực hiện.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Quỹ Xã hội công đoàn toàn tỉnh và huyện đã chi hỗ trợ 120 Mái ấm công đoàn cho đoàn viên, trị giá trên 4,5 tỷ đồng; từ nguồn kinh phí công đoàn và xã hội hóa, hệ thống Công đoàn trong tỉnh đã chi hỗ trợ cho trên 34.000 lượt đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 , với tổng số tiền 12 tỷ đồng….
Tại buổi đối thoại, người lao động đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng xoay quanh các vấn đề, như: Kiến nghị lãnh đạo tỉnh có chính sách hỗ trợ bình ổn giá nhiên liệu xăng, dầu, gas để người lao động giảm bớt khó khăn, yên tâm lao động sản xuất; có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong xây dựng nhà ở xã hội bán cho người lao động có thu nhập thấp; xử lý, hạn chế "Tín dụng đen" tại khu công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra đối với các nhà thuốc, phòng khám tư nhân trong việc điều trị, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, kháng viêm mạnh; đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và mong muốn có những quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca…
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị, sau buổi đối thoại, Liên đoàn Lao động tỉnh đề xuất những nội dung mà người lao động phản ánh để UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện từng vấn đề cụ thể hoặc yêu cầu chính quyền các địa phương của tỉnh giải quyết.
Các cấp công đoàn phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động. Đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục bằng những biện pháp hữu hiệu để người sử dụng lao động thực hiện tốt quy định của pháp luật, chế độ cho người lao động như: ký kết hợp đồng lao động, thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, nâng chế độ bữa ăn giữa ca….
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cùng tổ chức công đoàn phối hợp sở, ngành liên quan thanh tra, giám sát việc thực hiện tăng tiền lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022…
Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã trao 150 phần quà tặng người lao động tham dự buổi đối thoại, mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng.
MỸ LINH – DUY ANH