Khám sức khỏe cho công nhân lao động tại công ty
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Phạm Sơn, việc phát động Tháng hành động về ATVSLĐ có mục đích thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ. Kèm theo đó là việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho DN phát triển.
Các nội dung thực hiện phong phú, thiết thực còn thể hiện sự quan tâm của các ngành đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của DN. Qua đó, chia sẻ, lắng nghe các ý kiến đóng góp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hội nhập. Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Sở LĐ-TB&XH đã triển khai đến các DN, cơ sở SXKD, dịch vụ, hợp tác xã, hộ gia đình, công trình xây dựng thực hiện các nội dung trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ.
Sở LĐ-TB&XH An Giang đề nghị các đơn vị tổ chức các hình thức thông tin, tuyên truyền, hưởng ứng tháng hành động, như: Phát thanh, treo băng-rôn, khẩu hiệu, tranh, áp-phích, cấp phát sổ tay, tờ rơi; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, hội thi, tọa đàm, họp mặt, thao diễn, ký cam kết thi đua trong các phân xưởng, tổ, đội. Các đơn vị cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động; trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ sơ cấp cứu tại chỗ, tủ thuốc y tế. Tùy theo điều kiện, các đơn vị có thể tổ chức tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm mô hình quản lý hiệu quả về công tác ATVSLĐ...
“Sau tháng hành động, các đơn vị cần tiếp tục phát huy khí thế, triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất, tổ chức triển khai kế hoạch bảo hộ lao động của đơn vị, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ tại DN, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và không để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Đồng thời, tổng kết, đánh giá các hoạt động hưởng ứng và báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB&XH. Sở LĐ-TB&XH sẽ đề xuất UBND tỉnh xem xét khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ” - ông Phạm Sơn thông tin.
Trước đó, để tạo khí thế hưởng ứng mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân về công tác ATVSLĐ, Sở LĐ-TB&XH An Giang đã có văn bản gửi đến các DN trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. Cùng với công tác tuyên truyền, nhiều công ty trong lĩnh vực may mặc, điện, nước, xây dựng đã hưởng ứng bằng các hoạt động: Cải tạo môi trường làm việc cho lao động; trang bị mới thiết bị, dụng cụ bảo hộ; tập huấn kiến thức và kỹ năng an toàn lao động; khám sức khỏe cho công nhân từ tổng quát đến đo thính lực, khám bụi phổi, chụp X-quang…
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, tại các DN có đông công nhân lao động, ban giám đốc đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở để NLĐ nâng cao ý thức khi làm việc. Điển hình tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành), đồng loạt các công ty thông báo và yêu cầu cán bộ, NLĐ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Công ty khuyến cáo NLĐ đeo khẩu trang chuyên dụng mỗi khi đi ra đường, chỗ đông người và tại nơi làm việc, duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh, rửa tay, tăng cường vận động thể lực... NLĐ được khuyến cáo, kêu gọi nâng cao ý thức và trách nhiệm để phòng, chống dịch COVID-19 cho bản thân, gia đình, DN và xã hội.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng nội dung, hình thức. Mỗi cơ quan, đơn vị với vai trò chức năng chuyên môn sẽ tham gia lĩnh vực phụ trách, góp phần tác động toàn diện từ nhận thức đến hành động cho mọi đối tượng về an toàn lao động. Trọng tâm là giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, quản lý chăm sóc sức khỏe NLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động; quan trắc môi trường lao động tại các DN, cơ sở SXKD trên địa bàn.
Các đơn vị còn phối hợp tổ chức thăm hỏi, động viên nạn nhân và gia đình bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện tuyên truyền, tư vấn chính sách, pháp luật lao động cho đoàn viên, NLĐ. Kể cả ngoài môi trường DN, việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong sử dụng máy móc, thiết bị, phân bón, hóa chất… cũng phải được quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân.
Theo kế hoạch triển khai và phát động phong trào thi đua Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, các hoạt động phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng điểm. Đặc biệt, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cơ sở SXKD lựa chọn các vấn đề nổi cộm trong ngành, lĩnh vực làm chủ đề trong chương trình hành động về ATVSLĐ để mang lại hiệu quả cao. |
HOÀI ANH