Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ khó khăn về nhà ở
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua báo cáo của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo tiêu chí do Bộ Xây dựng quy định, số nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ là 153.881 căn. Trong đó, có 106.967 nhà xây mới (68.565 hộ nghèo, 38.402 hộ cận nghèo), 46.914 nhà sửa chữa (27.188 hộ nghèo, 19.726 hộ cận nghèo). Kinh phí cần huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cần khoảng gần 6.523 tỷ đồng. Mức hỗ trợ với chính sách này là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở, 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở. Số tiền này bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay.
Theo UBND tỉnh An Giang, hưởng ứng phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ phát động, nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025, các sở, ban, ngành, UBMTTQVN tỉnh, các địa phương, đơn vị, hộ gia đình và mỗi công dân trong tỉnh thi đua huy động, vận động các nguồn lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn cho biết, địa phương đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ việc xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hộ gia đình người có công trên địa bàn. Địa phương phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Qua đó, giúp mọi người có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, hộ gia đình người có công… bằng hình thức phù hợp. Công bố công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách đảm bảo dân chủ, công bằng, minh bạch, đúng quy định để mọi người dân đều nắm rõ, hiểu biết đầy đủ và giám sát việc thực hiện các chính sách được hỗ trợ” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn thông tin.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Hà Minh Trang cho biết, đơn vị sẽ phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua, tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở. Kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng. Tăng cường và phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các chế độ, chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo UBMTTQVN tỉnh, thời gian qua, công tác xây dựng nhà Đại đoàn kết giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được UBMTTQVN các cấp trong tỉnh quan tâm, thực hiện hiệu quả. 9 tháng của năm 2024, UBMTTQVN các cấp trong tỉnh tổ chức cất mới 1.516 căn nhà Đại đoàn kết, với số tiền trên 72 tỷ đồng. Trong đó, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo cấp tỉnh vận động phân bổ về các địa phương, đơn vị tổ chức cất mới 522 căn, với số tiền 26,4 tỷ đồng. Triển khai thực hiện và thẩm định hồ sơ 192 căn, mỗi căn nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng. Đã sửa chữa 116 căn cho hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng.
Chị Võ Thị Loan (hộ cận nghèo, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) được tặng nhà Đại đoàn kết, bày tỏ: “Không thể diễn tả bằng lời nói. Được ở trong căn nhà mới, khang trang, thật sự là niềm mơ ước của gia đình tôi. Xin chân thành cảm ơn địa phương, nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ, giúp tôi có được căn nhà. Gia đình tôi xin hứa giữ gìn, bảo quản căn nhà và cố gắng vươn lên trong cuộc sống”.
Thực tế thời gian qua cho thấy, với sự chung sức, đồng lòng, phần lớn người dân đã có được những ngôi nhà kiên cố, nhưng vẫn còn những hộ gia đình đang phải sinh sống trong những căn nhà tạm bợ, xuống cấp. Vì vậy, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” là phong trào thiết thực, nhân văn, phù hợp tình hình thực tế của đất nước.
Thông qua phong trào thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, MTTQVN, động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
THU THẢO