Tăng cường công tác đối ngoại
Bức tranh tươi sáng
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 tươi sáng hơn với những gam màu rực rỡ. Năm qua, tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi thực hiện vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao được xuất khẩu.
Dù trong bối cảnh đầy thách thức, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn đạt mức 7,16%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (7%). GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng (kế hoạch 70,27 - 70,88 triệu đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 47.890 tỷ đồng (vượt, kế hoạch đề ra 47.867 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu 1,22 tỷ USD (vượt, kế hoạch đề ra 1,185 tỷ USD). Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn ước đạt 7.917 tỷ đồng (vượt, kế hoạch 7.197 tỷ đồng). Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh, thể hiện quyết tâm đưa quê hương ngày càng phát triển. Đồng thời, cho thấy tiềm năng và sức sống mãnh liệt của nền kinh tế địa phương.
Đặc biệt, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Việc thông xe cầu Châu Đốc và khánh thành dự án Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông, phá vỡ “nút thắt” giao thông lâu năm. Nhờ đó, việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, giao thương hàng hóa được thúc đẩy, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực đáng kể. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo. Chất lượng giáo dục được không ngừng nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt mức 99,61% - con số đáng tự hào, khẳng định vị thế giáo dục của tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, công tác y tế cũng đạt được nhiều thành tựu, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, những giá trị văn hóa truyền thống của An Giang ngày càng được tôn vinh và quảng bá rộng rãi. Việc Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một minh chứng rõ nét cho sự giàu có và độc đáo của văn hóa An Giang. Sự kiện này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về quê hương Bác Tôn, mà còn khẳng định vị thế của An Giang trên bản đồ văn hóa thế giới. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
“Công tác xây dựng Đảng và dân vận đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động, sáng tạo trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động của HĐND, UBND được nâng chất, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ngày càng tiến bộ. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới trong hoạt động, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển An Giang” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết.
Bà Đoàn Thị Phượng (65 tuổi, cán bộ hưu trí, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Quê hương của Bác Tôn Đức Thắng giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới, hiện đại hơn. Những con đường được nâng cấp, hệ thống giao thông thuận tiện đã rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng. Chúng tôi tự hào khi được sống và làm việc trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng này”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Tăng tốc, đổi mới
Năm 2025 là năm quyết định để tỉnh An Giang hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững. Bên cạnh việc tập trung vào các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị cũng được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và thu hút đầu tư. Đảng bộ tỉnh An Giang đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này và đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra, làm tiền đề, để cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung rà soát, đánh giá và hoàn thiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 -2025), đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Song song đó, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2025 - 2030) và các hoạt động kỷ niệm sẽ được triển khai chu đáo, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng An Giang giàu mạnh, văn minh. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tập trung đề ra những giải pháp cụ thể, khả thi để khắc phục khó khăn, thách thức, đồng thời khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế. Các chương trình, dự án trọng điểm sẽ được tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện quy hoạch, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đón chào năm mới 2025, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà quyết tâm nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra, đưa quê hương An Giang phát triển bền vững.
THU THẢO