An Giang đa dạng hóa sân chơi bóng chuyền

26/11/2020 - 03:45

 - Với sự phổ biến sẵn có, bóng chuyền đã xuất hiện thường xuyên trong đời sống thể chất của người dân. Do đó, ngành thể thao các địa phương đang nỗ lực đa dạng hóa sân chơi ở bộ môn này, bao gồm việc mở rộng đối tượng người chơi và các “biến thể” của môn bóng chuyền.

Bộ môn bóng chuyền phát triển rộng rãi trong đời sống người dân

Những năm qua, bóng chuyền đã trở thành sân chơi thể thao không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trong những ngày lễ, Tết truyền thống bên cạnh môn đua bò đã trở thành “thương hiệu” riêng so với cả nước. Trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang năm 2019, bóng chuyền là bộ môn có các trận đấu hấp dẫn, sôi nổi phục vụ tốt nhu cầu người xem. Với các đội bóng tham dự đến từ các huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, giải bóng chuyền trong khuôn khổ ngày hội thực sự đã đáp ứng niềm đam mê bóng chuyền của đồng bào DTTS Khmer.

Thời gian qua, 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn luôn là đơn vị cung cấp những “tay đập” có chất lượng tốt là người Khmer cho tỉnh đi tranh tài ở Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer khu vực ĐBSCL. Tại huyện Tịnh Biên, các xã có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống như: An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung… cũng tạo điều kiện để thanh niên địa phương được tham gia các sân chơi bóng chuyền phong trào vào các dịp lễ, Tết trong năm. Qua đó, đã giúp thanh niên Khmer có điều kiện rèn luyện sức khỏe cũng như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thi đấu.

Bộ môn bóng chuyền còn hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu của phụ nữ và người cao tuổi các địa phương, với “biến thể” là môn bóng chuyền hơi. Tại huyện An Phú, phong trào tập luyện và giao lưu bóng chuyền hơi đang phát triển mạnh vài năm gần đây. Vì mức độ vận động vừa phải và dễ chơi, bộ môn này đã lan tỏa đến các xã, thị trấn ở huyện đầu nguồn.

Theo đó, bóng chuyền hơi là môn thể thao tương tự như bóng chuyền nhưng không đòi hỏi nhiều về thể lực, sức mạnh hay tốc độ nên khá thích hợp với người từ 45 - 75 tuổi. Các động tác trong môn bóng chuyền hơi gần giống như bóng chuyền, nhưng nhẹ nhàng hơn, tạo cho người chơi sự uyển chuyển, linh hoạt. Do đây là môn thể thao mang đậm tính giao lưu, giải trí hơn là thi đấu thành tích nên dễ dàng phổ biến trong đời sống người dân.

Để mọi người hiểu rõ về bộ môn thể thao này, Trung tâm Văn hóa - Thể thao An Phú đã cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn về luật chơi cũng như thiết kế sân bóng cho phù hợp. Qua đó, giúp bóng chuyền hơi đến với mọi đối tượng, tạo điều kiện để người dân đầu nguồn nâng cao sức khỏe. Đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện An Phú đều tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi trong những ngày lễ lớn để cán bộ, nhân dân tham gia giao lưu, mang đến không khí vui tươi, hào hứng.

Trong các hoạt động thể thao chào mừng Lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn lần đầu tiên tổ chức bộ môn bóng chuyền 2 người để các vận động viên “chân đất” của địa phương có điều kiện tiếp cận. Với bộ môn này, Tri Tôn đã cho thấy sự mới mẻ trong việc đa dạng hóa sân chơi đối với bóng chuyền. Về cơ bản, bóng chuyền 2 người áp dụng luật chơi của bóng chuyền bãi biển với sự đoàn kết cao độ của 2 thành viên trong đội. Với kích thước sân bóng dài 16m, rộng 8m, các “tay đập” thực sự phải có thể lực tốt mới đảm bảo thi đấu hết cả trận.

Thông qua việc phát triển bộ môn bóng chuyền 2 người, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tri Tôn đang hướng tới mục đích sẽ tạo thêm sự yêu thích cho người dân địa phương khi tiếp cận với môn thể thao này. Từ thành công của giải bóng chuyền chào mừng lễ Quốc khánh 2-9, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tri Tôn sẽ tiếp tục xây dựng phong trào bóng chuyền 2 người phát triển rộng rãi hơn trong đời sống người dân thời gian tới.

MINH QUÂN