An Giang đảm bảo an toàn, chăm lo đầy đủ cho người dân trở về quê

05/10/2021 - 05:31

 - Dù số lượng người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… di chuyển tự phát về An Giang rất lớn nhưng tỉnh vẫn nỗ lực tiếp nhận, đảm bảo đưa đón về địa phương trật tự, an toàn, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tỉnh An Giang và các địa phương còn đẩy mạnh chăm lo an sinh xã hội khi người dân về quê.

Ảnh: THANH HÙNG

Ảnh: TRÚC PHA

Linh hoạt tiếp nhận

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, phát sinh thêm tình huống mới, người dân tự phát trở về quá nhiều (đa phần chưa tiêm vaccine), cần khẩn trương điều chỉnh giải pháp phù hợp. Hiện, các điểm cách ly đã quá tải, trường học trưng dụng tạm nên không đảm bảo chống dịch. Tỉnh rất lo lắng, tập trung mọi giải pháp linh hoạt để đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng.

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu khi sàng lọc, nếu test nhanh âm tính thì cân nhắc đưa người dân về cách ly tại nhà (dán bảng cảnh báo, căng dây) và cam kết tuân thủ đầy đủ quy định phòng, chống dịch; giao tổ dân phố, khóm, ấp theo dõi hàng ngày. Lưu ý, trong nhà nếu nhà có người già, người có bệnh nền phải bố trí ở riêng. Nhà chật hẹp, đông người, không đảm bảo nên bố trí ở khu cách ly tập trung… Đối với địa phương có điều kiện, có thể bố trí cách ly phù hợp thực tiễn (ở nhà nghỉ, khách sạn). Khi có vaccine ngừa thì các địa phương nên tiêm bổ sung đủ liều để bà con yên tâm. Cùng với đó, tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, vận động xã hội hóa để cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Văn Bé Tám cho biết: “Đa phần là hộ gia đình đi cùng nhau, số lượng trẻ nhỏ khá nhiều. Do đó, trong quá trình đưa người dân di chuyển về địa phương, huyện bố trí xe cứu thương để kịp thời hỗ trợ. Trong quá trình phân loại cách ly, chúng tôi đặc biệt quan tâm người yếu thế, như: trẻ nhỏ, phụ nữ sau sinh, người già, người có bệnh nền… để cách ly riêng, có chế độ chăm sóc phù hợp”.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố thành lập 2 tổ công tác đặc biệt “tiền phương” và “hậu phương”. Tổ “tiền phương” (với lực lượng nòng cốt là đội ngũ y tế, công an) chủ động phối hợp TP. Long Xuyên thu thập tốt thông tin, xét nghiệm “thần tốc”, khẩn trương, để sớm sàng lọc, phân loại và tổ chức dẫn đoàn đưa về địa phương. Tổ “hậu phương” tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của xã hội chung tay chăm lo cho bà con trở về quê. Đồng thời, sát cánh cùng các xã, thị trấn dẹp dọn, vệ sinh, bố trí chỗ ăn, nghỉ để đón bà con về điểm cách ly.

Bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho bà con

Chia sẻ với người dân

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng cho biết, để đảm bảo mọi điều kiện tiếp nhận công dân từ vùng dịch trở về địa phương cách ly, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND xã, thị trấn chuẩn bị khu cách ly đảm bảo đủ số lượng công dân của địa phương mình khi trở về và đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”. Để quản lý chặt công dân trở về địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện huy động toàn bộ lực lượng duy trì chốt kiểm soát để quản lý chặt cửa ngõ vào địa bàn (cả đường bộ lẫn đường thủy), nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, đến trưa 4-10, huyện Tri Tôn tiếp nhận 3.486 công dân về địa phương, được bố trí tạm vào 12 trường học trên địa bàn. Qua test nhanh, ngành chức năng phát hiện 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đã đưa đi cách ly theo dõi. Trong chiều 4-10, huyện Tri Tôn tiếp nhận thêm khoảng 1.500 người về địa phương, bố trí tạm vào 2 trường học để xét nghiệm, sàng lọc, lập hồ sơ cá nhân. Sau đó, huyện sẽ đưa về xã, thị trấn để quản lý cách ly tại nhà đối với trường hợp đủ điều kiện, đồng thời phát huy vai trò Tổ COVID-19 cộng đồng để giám sát cách ly. Ngoài cấp phát gạo, các địa phương sẽ huy động thêm nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.

Đến ngày 4-10, huyện An Phú vẫn còn 40 ổ dịch với 40 khu phong tỏa, 1.056 hộ dân, 4.358 nhân khẩu. Mặc dù điều kiện chống dịch rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng huyện tập trung chăm lo cho bà con tự phát trở về. Ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập bếp ăn từ thiện để sẵn sàng cung cấp suất ăn cho người dân. “Mặc dù thiếu nguồn lực, nhưng quan điểm của huyện là luôn chăm lo cho bà con trở về quê hương. Chúng tôi làm hết sức mình để cùng tỉnh thực hiện công tác phòng, chống dịch và  chăm lo an sinh xã hội” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện An Phú Ngô Công Thức nhấn mạnh.

Tất cả địa phương trong tỉnh huy động hệ thống chính trị và mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay tiếp nhận và chăm lo an sinh xã hội cho bà con một cách tốt nhất. Các ngành, đoàn thể tích cực vận động xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn hỗ trợ nhu yếu phẩm, thức ăn nhanh, nước uống... 3 buổi ăn/ngày cho người dân.

 Tình nguyện viên Ngô Thị Thùy Trang (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Khi hay tin xã Vĩnh Châu tiếp nhận 120 người dân về cách ly tại địa phương, tôi xung phong tham gia dọn vệ sinh tại Trường THCS Phan Bội Châu. Ngoài 3 bữa ăn do Thành ủy, UBND thành phố hỗ trợ, xã vận động bữa ăn tối cho bà con và tình nguyện viên làm nhiệm vụ trong khu cách ly. Tuy vất vả, nhưng thấy bà con về quê an toàn trong niềm vui, chúng tôi cũng vui lây. Mong rằng mọi người có ý thức thực hiện tốt thông điệp “5K” để phòng, chống dịch bệnh”.

 Còn bà Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Thấy có người về đến địa phương mệt lả, nên tôi cùng các anh, chị trong xóm mua mì gói, rồi nấu ít phần cơm hộp gửi vào khu cách ly. Mai tôi sẽ mua thêm ít sữa cho mấy đứa nhỏ trong đấy nữa. Dịch bệnh làm khổ bà con mình, nên mọi người giúp được gì thì giúp thôi”.

Tất cả lực lượng trẻ, xung kích đều “ra trận”. Phó Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn An Giang Nguyễn Phượng Thư cho biết: “Chúng tôi nhanh chóng bố trí lực lượng đoàn viên thuộc Tỉnh đoàn; tuyển thêm 500 tình nguyện viên hỗ trợ người dân tại 3 điểm (Trường THCS Bình Khánh, Trường THPT Nguyễn Hiền, Trung tâm Văn hóa - Thể Thao TP. Long Xuyên). Các bạn tiếp nhận, điều phối thực phẩm do các nhà hảo tâm chuyển đến, gồm: nước suối, sữa, mì gói… Tỉnh đoàn đang tiếp tục hỗ trợ người dân tại các điểm cách ly trên địa bàn TP. Long Xuyên. Một số huyện, thị xã, tiếp tục vận động thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân thực hiện cách y và lực lượng tình nguyện làm nhiệm vụ”.

“Trắng đêm, các đoàn viên, thanh niên cùng cán bộ ở các xã cùng dọn bàn, ghế trong trường học, vệ sinh, bố trí chỗ ở sẵn, do số lượng người tiếp nhận đông. Một số bạn chở hàng thực phẩm đến gia đình cách ly tại nhà, đến tận khuya mới xong việc. Sau khi tiếp nhận, một số cán bộ đoàn viên được cử vào khu cách ly, hỗ trợ quản lý, hướng dẫn người dân; số còn lại hỗ trợ đội test, tiếp tục đón đợt tiếp nhận công dân và vận chuyển lương thực” - Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh cho biết.

Chung sức, chung lòng

Ngày 3-10, Liên đoàn Lao động tỉnh phát động cán bộ, đoàn viên tham gia tình nguyện hỗ trợ đón công dân từ ngoài tỉnh về điểm tập trung tại Trường Đại học An Giang. Cán bộ công đoàn chuyên trách tự nguyện tham gia đợt đầu tiên; đang tiếp tục phát động đoàn viên, cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn TP. Long Xuyên tham gia. Để đảm bảo cho đoàn viên làm nhiệm vụ được an toàn, mỗi người được hỗ trợ test trước khi ra về, những người không về gia đình được bố trí nghỉ tại cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thoại Sơn Dương Triết Minh chia sẻ: “Những ngày qua, các anh chị em làm việc hết công suất, phối hợp với các lực lượng tình nguyện địa phương, bếp ăn từ thiện… nấu 600-750 suất ăn phục vụ người dân tại điểm tiếp nhận và cách ly của huyện. Chúng tôi luôn cố gắng để người dân có đầy đủ bữa ăn, có đủ sức khỏe tiếp tục phối hợp cùng địa phương chống dịch”.

Tại huyện Tịnh Biên, địa phương khẩn trương rà soát, nắm trường hợp về quê gặp khó khăn để có biện pháp hỗ trợ linh hoạt, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò sư sãi, à cha, người có uy tín trong cộng đồng Khmer trong việc tuyên truyền bà con đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Tịnh Biên Chau Phi Rôm cho biết: “Với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi hỗ trợ ngay cho các gia đình trở về quê 10kg gạo/hộ, từ nguồn tỉnh phân bổ và xã hội hóa. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tăng cường vận động nhằm nâng cao khả năng hoạt động của các “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Cửa hàng 1.000 đồng” và ATM gạo đang hoạt động để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân. UBMTTQVN các cấp, ban, ngành, đoàn thể địa phương, Ban nhân dân khóm, ấp nắm chắc danh sách, số lượng người về quê đang cách ly tại nhà để hỗ trợ khi cần thiết…”.

Chỉ tính riêng trong ngày 3 và 4-10, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ cho TX. Tân Châu trên 300 triệu đồng để địa phương chăm lo cho công tác chống dịch. Nhiều phụ nữ trong khu, cụm tuyến dân cư vượt lũ đã thức suốt đêm nấu chuối, bắp, khoai lang… mang đến khu cách ly tập trung để tiếp tế lực lượng tuyến đầu, tiếp thêm thực phẩm, nước uống, mừng con em mình trở về quê hương. Gia đình bà Nguyễn Thị Gốc (xã Tân An, TX. Tân Châu) có 8 người con, cháu đi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Trong số này, cháu nội Đoàn Thị Hoàng Trang đã về đến địa phương vào chiều 3-10. Bà Gốc rất vui mừng: “Gia đình tôi vô cùng biết ơn chính quyền địa phương đã mở rộng vòng tay, tạo điều kiện, đón cháu tôi trở về quê trong lúc này. Nghe theo khuyến cáo của địa phương, tôi đã động viên 7 người con, cháu còn lại tiếp tục ở lại làm việc, vì được tiêm 2 mũi vaccine hết rồi”.

Lực lượng vũ trang cũng sẵn sàng chia sẻ chỗ ăn nghỉ cho người dân. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) di chuyển gần 300 cán bộ, chiến sĩ, nhường doanh trại cho người dân huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cách ly tập trung. Đơn vị chuẩn bị nơi ăn, ở, sinh hoạt. Công dân về đơn vị cách ly tập trung được bố trí theo các khu riêng biệt dành cho nam và nữ; được bảo đảm ăn, uống đầy đủ chất dinh dưỡng theo thực đơn hàng ngày, hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Những chủ trương, hoạt động ấy trở thành những mảnh ghép đầy tình người, nhân văn, vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp trong hoạn nạn, cùng chia sẻ khó khăn với người dân, giúp nhau vượt qua dịch bệnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thống nhất hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố 500 triệu đồng và mua 200 tấn gạo trích từ nguồn Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán tỉnh để hỗ trợ công tác đón công dân về địa phương. Tỉnh tiếp tục kêu gọi tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “Tương thân tương ái” hỗ trợ bà con xa quê trở về địa phương ổn định tâm lý, giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.