An Giang đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội

26/11/2020 - 03:37

 - An Giang là một trong những tỉnh có dân số đông so các tỉnh ĐBSCL với khoảng 1,9 triệu dân. Tuy có nguồn lao động dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so bình quân cả nước, đặc biệt ở nông thôn. Thời gian qua, tỉnh luôn xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Có 15 tập thể, 11 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020

Có thể thấy, mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng doanh nghiệp (DN) được triển khai khá tốt. Toàn tỉnh có 21 DN tham gia ký hợp đồng đào tạo trình độ ngắn hạn cho 8.605 học viên, kinh phí hỗ trợ 10,3 tỷ đồng và đào tạo 3 lớp nghề trung cấp nuôi trồng thủy sản cho 77 học viên tại vùng nuôi trồng công nghệ cao của công ty tại huyện Châu Phú, kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng.

Chương trình đào tạo xây dựng linh hoạt đáp ứng yêu cầu thực hành, rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người lao động trên dây chuyền thiết bị và công nghệ của các DN. Các DN thực hiện đúng cam kết tiếp nhận trên 90% người lao động đã học xong các lớp nghề vào làm việc với mức lương khởi điểm 3,5 - 6 triệu đồng/tháng/người.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, qua thời gian triển khai thực hiện nhận được sự đánh giá tích cực của các DN, khi DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, đánh giá kết quả học tập cuối khóa làm cơ sở để cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học. Người học được rèn luyện tay nghề, tác phong công nghiệp trong chính môi trường của DN. Từ đó, không chỉ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động mà còn cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động của DN.

Điển hình như Công ty TNHH May xuất, nhập khẩu Đức Thành, từ năm 2014 đến nay đã kết hợp mở 13 lớp đào tạo nghề, với tổng số 455 học viên được đào tạo, có 451 học viên hoàn thành khóa học được cấp chứng chỉ. Các học viên được bố trí việc làm phù hợp chuyên môn, tạo thu nhập ổn định mỗi tháng 6 - 7 triệu đồng/người, người may giỏi có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng.

10 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở huyện Châu Thành liên tục nâng lên: năm 2010 là 25,26%, cuối năm 2020 là 50%. Mở 174 lớp đào tạo 5.616 học viên theo đơn đặt hàng của DN, nhiều nhất là Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành). Sau khi học xong, học viên được các công ty: may LUAN, giày SAMHO, APPAREAL… nhận vào làm. Qua thống kê, toàn huyện có 87.375 người trong độ tuổi lao động, trong đó 83.914 người có việc làm thường xuyên…

Hàng năm, các địa phương rà soát, lập danh sách những người chưa qua đào tạo nghề, chưa có việc làm, có nhu cầu đăng ký học nghề để làm cơ sở xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp dạy nghề tại địa phương. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 10 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh An Giang không ngừng tăng lên: năm 2010 là 34%, năm 2015 đạt 50%, năm 2020 đạt 65%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2010 đạt 23%, năm 2015 đạt 36%, năm 2020 đạt 60%.

Tổng số lao động nông thôn được học nghề là 276.612 lao động, trong đó 147.369 người được hỗ trợ học nghề theo đề án, tổng số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo là 112.000 lao động; có 9.642 cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng... Toàn tỉnh có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 2 trường cao đẳng (công lập), 5 trường trung cấp (công lập), 10 trung tâm và 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề cho 147.369 lao động nông thôn, kinh phí 116,3 tỷ đồng với hơn 111.940 lao động có việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ 75,96%.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, trong đó có lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, các địa phương tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; quảng bá, thông tin và kế hoạch đào tạo, xu hướng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng nông thôn mới nhằm mang lại hiệu quả trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường phối hợp các DN tổ chức đào tạo nghề gắn với đơn đặt hàng. Tập trung đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nông thôn đảm bảo theo yêu cầu phát triển ngành, nghề của địa phương và DN, phục vụ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội, các đối tượng đặc thù... có điều kiện học nghề, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm.

HỮU HUYNH

10 năm qua, Trường Trung cấp Nghề Kinh tế - Kỹ thuật (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đào tạo nghề ngắn hạn 9.216 học viên, ra trường có việc làm ổn định trên 80%. Trường đào tạo 12 ngành nghề (trình độ trung cấp), 2 nghề (sơ cấp), 18 nghề đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng)… Các chương trình này đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ và yêu cầu của DN.