An Giang đầu tư, nâng cao chất lượng điều trị bệnh tim mạch

29/11/2018 - 07:42

 - Suốt 27 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Tim mạch An Giang không ngừng phấn đấu vươn lên. Từ một bệnh viện khởi đầu điều trị nội tim mạch, đến tháng 7-2013 đã triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch, mạch vành, phẫu thuật tim hở... Đến tháng 7-2017, thực hiện thành công ngoại tim mạch và đang triển khai thăm dò diện sinh lý, can thiệp mạch não.

BSCK II Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang cho biết: “Trung tâm tim mạch An Giang (nay là Bệnh viện Tim mạch An Giang) được sáng lập bởi cố bác sĩ Lư Đình, thành lập ngày 18-11-1991, với tên gọi Trung tâm Tim mạch cấp cứu và dự phòng, có 16 giường bệnh, là bệnh viện chuyên khoa tim mạch đầu tiên của ĐBSCL, đặt nền móng phát triển chuyên khoa phẫu thuật tim và điều trị bệnh tim. Năm 2000, lần đầu tiên tại ĐBSCL, Trung tâm Tim mạch An Giang điều trị thành công nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên bằng thuốc tiêu sợi huyết. Cuối năm 2005, đổi tên thành Bệnh viện Tim mạch đến nay, thành lập đơn vị chăm sóc mạch vành, đào tạo và phát triển tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim”.

Năm 2012, từ dự án hỗ trợ y tế ĐBSCL, Bệnh viện Tim mạch An Giang được Bộ Y tế đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, trong đó có máy DSA. Phía bệnh viện gửi bác sĩ, kỹ thuật viên đào tạo ê-kíp tim mạch can thiệp tại Viện Tim mạch quốc gia, Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Nếu như trước đây, bệnh nhân nhồi máu cơ tim phải lên TP. Hồ Chí Minh điều trị, thời gian di chuyển có thể làm mất “thời gian vàng” trong 3 giờ đầu hoặc trong 12 tiếng đầu phát bệnh, cơ may cơ tim còn sống để cứu chữa thấp, thì từ tháng 7-2013 đến nay, sau 5 năm triển khai Khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim mạch An Giang đã can thiệp tim mạch hơn 5.000 trường hợp; chẩn đoán, chụp và can thiệp mạch vành cho hàng ngàn bệnh nhân nhồi máu cơ tim được cứu chữa qua cơn hiểm nghèo, kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống.

An Giang đầu tư, nâng cao chất lượng điều trị bệnh tim mạch

Khánh thành Khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức

Tiếp nối thành công trong chẩn đoán và can thiệp mạch vành, với sự phát triển của Bệnh viện Tim mạch An Giang, rất nhiều bệnh tim bẩm sinh được phát hiện điều trị sớm; giúp nhiều trẻ em bệnh tim bẩm sinh được can thiệp khỏi bệnh, phát triển thể chất trí tuệ như bao trẻ em bình thường khác. BS Mai cho biết: “Không chỉ thành công trong chẩn đoán, điều trị nội khoa; chụp và can thiệp mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế, Bệnh viện Tim mạch An Giang tiếp tục được nâng cấp và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng chuyên môn. Tháng 2-2018, Bệnh viện Tim mạch An Giang đã hình thành Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, triển khai kỹ thuật mổ tim hở. Đến nay, đã phẫu thuật tim thành công 15 trường hợp, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh)”.

Bình quân mỗi cas mổ tim hở chi phí khoảng 100 triệu đồng. Bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả 70 triệu đồng. Bệnh nhân nghèo, cận nghèo được Sở Y tế hỗ trợ thêm 10 triệu đồng. Kỹ thuật mổ tim hở, thay van tim thực hiện thành công tại Bệnh viện Tim mạch An Giang đã mở ra bước tiến mới cho ngành y tế tỉnh nhà. Đây là tín hiệu vui cho bệnh nhân ĐBSCL được điều trị và chăm sóc sức khỏe trái tim tại An Giang, không phải đi xa tốn kém nhiều chi phí, rủi ro cao. 

Trải qua nhiều giai đoạn, Bệnh viện Tim mạch An Giang không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn. Hiện, Bệnh viện Tim mạch An Giang đã nâng tổng số lên 300 giường bệnh, 334 cán bộ nhân viên y tế, 10 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 5 phòng chức năng. Nhờ uy tín chất lượng, số bệnh nhân điều trị ngày càng tăng: bệnh ngoại trú từ 36.300 lượt (năm 2010) lên 125.000 lượt (năm 2017), bệnh nội trú từ 5.700 lượt (năm 2010) lên 14.600 lượt (năm 2017).

An Giang đầu tư, nâng cao chất lượng điều trị bệnh tim mạch

Phẫu thuật tim tại Bệnh viện Tim mạch An Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “An Giang cách xa trung tâm y tế lớn, điều kiện tiếp cận và được sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao của người dân gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại còn chậm, chưa thực sự rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các thành phố lớn. Tỉnh hết sức quan tâm, đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng chuyên sâu, hiện đại”. Ông Bình dẫn chứng: “An Giang có trên 200.000 người cao tuổi, trong đó số người có bệnh lý tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Đây là bệnh lý gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm, phòng ngừa và xử trí kịp thời. Bệnh viện Tim mạch An Giang thực hiện tốt việc phát triển chuyên sâu lĩnh vực tim mạch và triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao tại tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tim mạch cho An Giang và ĐBSCL. UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn”.

HẠNH CHÂU