An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số

11/07/2023 - 06:44

 - Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN). Vì vậy, cả hệ thống chính trị của An Giang tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Quyết tâm chính trị cao

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2023, An Giang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về chuyển đổi số. Bởi, chuyển đổi số đang là xu thế, phong trào có tính toàn cầu, mang tính toàn dân, toàn xã hội. Nâng cao nhận thức vấn đề liên quan đến dữ liệu, dữ liệu dân cư là một nguồn tài nguyên quý của quốc gia, nên phải có các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khai thác nguồn tài nguyên quý này, nhằm tạo ra động lực và nguồn lực cho sự phát triển trong kỷ nguyên số.

Theo đó, tỉnh tiếp tục xác định chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành.

Đổi mới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Trung tâm Điều hành thông minh IOC TP. Châu Đốc

“Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, xã hội, DN. Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh hình thức, chủ nghĩa thành tích, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.

Đặc biệt, lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nguồn lực để phục vụ chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN. Không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho người dân, DN, tránh sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt” - ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Hành động quyết liệt

“Với vai trò Thường trực Tổ công tác trong tham mưu triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh. Để đảm bảo thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06/CP, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh triển khai công tác rà soát, xác thực thông tin người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) với số định danh cá nhân, căn cước công dân (CCCD) rà soát, làm sạch dữ liệu công nhân đóng BHXH tại các khu công nghiệp.

Phối hợp Sở Y tế rà soát, làm sạch dữ liệu tiêm chủng, thực hiện khai báo lưu trú trực tuyến đối với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Phối hợp Sở Tư pháp rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ hóa dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện công tác cập nhật, bổ sung dữ liệu dân cư và thống kê các tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp, hủy số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh và việc sai lệch thông tin giữa dữ liệu khai sinh của Bộ Tư pháp với dữ liệu dân cư tại địa phương…” - đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh cho biết.

Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh chấp thuận chủ trương triển khai thử nghiệm “Hệ thống số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC” trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 9/6, tỷ lệ hồ sơ số hóa là 61,5% (81.015/131.809 hồ sơ).

Thực hiện nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 18/6, toàn tỉnh có 186/186 cơ sở KCB triển khai tiếp nhận hồ sơ KCB bằng CCCD thay thẻ BHYT, tra cứu thực hiện thành công 512.575/726.630 lượt (đạt 70,54%); 100% cơ sở lưu trú (1.214 cơ sở) và cơ sở KCB triển khai thực hiện thông báo lưu trú thông qua ứng dụng VNeID; thực hiện xác thực thông tin người tham gia BHYT, BHXH với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 1.482.690/1.651.064 (đạt 89,80%), còn 168.374 dữ liệu đang tiếp tục rà soát, xác thực.

Về nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến ngày 19/6, An Giang cơ bản hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân trong độ tuổi; toàn tỉnh thu nhận 395.211/2.234.340 hồ sơ định danh điện tử (đạt 17,68%), còn 1.839.139 trường hợp đang tuyên truyền, vận động người dân tham gia cài đặt ứng dụng VNeID và tham gia thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức độ 2.

Về hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, đến nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh được triển khai vận hành thử nghiệm ngày 20/6/2022, với 10 lĩnh vực. Đã triển khai ứng dụng di động (app) SmartAnGiang để tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân. Hiện nay, có 8/11 huyện, thị xã, thành phố thành lập IOC cấp huyện.

“Để tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử và các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06/CP, lực lượng công an, đoàn thanh niên và hội liên hiệp phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cài đặt, kích hoạt và sử dụng định danh điện tử (ứng dụng VNeID) để tham gia giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử, phục vụ công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.

THU THẢO