An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

15/08/2022 - 02:17

 - Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là đề án cụ thể hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện Đề án 06 để tổ chức các dịch vụ công phục vụ nhân dân thông qua môi trường số. Qua đó, chuyển từ thói quen thực hiện các dịch vụ công dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước, sang giao dịch trên môi trường số, giải quyết các dịch vụ, thủ tục bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.

Làm căn cước công dân

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, thực hiện Đề án 06, thời gian qua, sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06 tại đơn vị, địa phương. Lực lượng công an các cấp phát huy tốt vai trò thường trực trong công tác tham mưu triển khai thực hiện đề án. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành các nhóm nhiệm vụ theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra; ý thức, tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện đề án của các cấp, ngành và chính quyền địa phương được nâng lên, bước đầu tạo được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp (DN).

Những tháng đầu năm 2022, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh đã cung cấp 2.072 dịch vụ hành chính công; trong đó, số lượng dịch vụ công mức độ 3 là 511 dịch vụ, mức độ 4 là 935 dịch vụ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn là 99%. Đã thực hiện kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện kiểm thử và công khai các dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đến ngày 10/6/2022 đã tích hợp 1.880 dịch vụ); kết nối với hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đã triển khai thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh thông qua Ngân hàng VietinBank; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến payment platform của Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo e-form điện tử và triển khai kết nối, tích hợp chữ ký số để phục vụ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến. Cập nhật tính năng xác thực văn bản điện tử đã được ký số nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản điện tử khi người dân, DN thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh.

An Giang đã triển khai 8/25 dịch vụ công thiết yếu, gồm: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; triển khai nhóm TTHC liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất do thay đổi thông tin người được cấp giấy chứng nhận (đổi giấy tờ pháp nhân, địa chỉ); đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp phiếu lý lịch tư pháp; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tất cả các phường, xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. 100% hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi liên thông với đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú. Công an các cấp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành, địa phương; đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử cho công dân trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 15/6/2022, công an toàn tỉnh đã thu nhận 1.544.574 hồ sơ (có 76.778 hồ sơ định danh điện tử), đạt 70,07% so tổng số nhân khẩu trong diện thu nhận hồ sơ cấp CCCD.

Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP. Long Xuyên

Tập trung thực hiện

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Đề án 06 là một trong những đề án công nghệ lớn nhất từ trước đến nay của cả nước, liên quan đến tất cả các bộ, ngành, địa phương. Bước đầu triển khai, địa phương cũng gặp không ít khó khăn, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ thuộc đề án còn chậm so yêu cầu đặt ra.

Để tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ, những tháng cuối năm 2022, các sở, ban, ngành và địa phương tập trung triển khai việc số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ trong giải quyết TTHC liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp. Khẩn trương rà soát, đánh giá lại tổng thể các trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ triển khai đề án ở các cấp để có phương án đề xuất mua sắm, trang cấp thêm (đường truyền, hạ tầng thiết bị…) bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến...

Lực lượng công an các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo dữ liệu dân cư được “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ việc kết nối, khai thác dữ liệu của các sở, ngành thời gian tới; đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử công dân trong độ tuổi. Thường xuyên kiểm tra an ninh, an toàn thông tin; tổ chức tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, đánh cắp thông tin và thực hiện các hành vi phạm pháp, nhất là triển khai ứng dụng của lĩnh vực ngân hàng…

Đề án 06 được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, được người dân, DN ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích