An Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số

13/02/2023 - 07:57

 - Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số, việc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đất nước với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu, được triển khai thực hiện đồng bộ. Không nằm ngoài xu thế phát triển của đất nước, An Giang đang tập trung triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số trong toàn tỉnh.

Thúc đẩy thanh toán số

Tạo đột phá phát triển

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực của xã hội trên địa bàn An Giang ngày càng phổ biến và đạt hiệu quả khá cao. Điển hình như trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; dạy và học trực tuyến; du lịch thực tế ảo; thương mại điện tử.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, đến nay, toàn tỉnh có 66,2% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 68,1% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; 78,9% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; 100% doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; 30% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo được tỉnh An Giang đặt ở mức ưu tiên cao trong các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh.

Phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa các hoạt động của người dân, DN lên môi trường số - môi trường mang tính toàn cầu. Để phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, An Giang hướng đến mục tiêu sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Đồng thời, tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

Những mục tiêu cụ thể

Về phát triển kinh tế số, An Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh, trong từng ngành, lĩnh vực chiếm 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm trên 10%; hơn 80% DN sử dụng hợp đồng điện tử; trên 50% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; trên 2% nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động.

Về phát triển xã hội số, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; trên 70% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; trên 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; trên 70% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản; 80% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; trên 70% người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản; trên 50% dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trên 30% dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và 70% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở.

An Giang phấn đấu đến năm 2025 có 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh

Nền móng kinh tế số và xã hội số

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, để đạt những mục tiêu trên, từ nay đến năm 2025, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số. Theo đó, hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý phát triển kinh tế số và xã hội số, thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm: Hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số, nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi DN. Đồng thời, nắm bắt cơ hội, phát triển và cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của tỉnh, trên cơ sở phân loại và nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

An Giang tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng. Phát triển các DN công nghệ số và chuyển đổi các DN truyền thống thành DN số. Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số, việc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đất nước với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu, được triển khai thực hiện đồng bộ. Không nằm ngoài xu thế phát triển của đất nước, An Giang đang tập trung triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số trong toàn tỉnh.

MINH THƯ