Cập nhật kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2025

15/07/2025 - 14:29

Mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước được đánh giá là khả quan, giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm.

Doanh nghiệp công nghệ tham gia Triển lãm đổi mới sáng tạo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nghiệp công nghệ tham gia Triển lãm đổi mới sáng tạo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tổ chức tại Hà Nội.

Cục Thống kê cho biết, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% là mức xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng điều hành cập nhật ở quý I vừa qua.

Cụ thể, tại kỳ báo cáo kinh tế-xã hội quý I/2025, sau khi có kết quả ước tính quý I và đánh giá các dư địa cho tăng trưởng các quý tiếp theo, cơ quan này đã cập nhật kịch bản tăng trưởng theo mục tiêu 8%.

Theo đó, GDP quý I tăng 6,93%, quý II tăng 8,19%, 6 tháng đầu năm tăng 7,58%, quý III tăng 8,27%, quý IV tăng 8,46%.

Như vậy tính chung 6 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7,52% là tương đối sát so với kịch bản điều hành, có tác động giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế.

Từ kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%. Trong đó, quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%.

Dư địa cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm đến từ đầu tư công; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; tăng trưởng tín dụng, tiêu dùng.

Trong đó, đầu tư công giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng thông qua các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng.

Đáng lưu ý, Cục Thống kê nhận định, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, có vai trò chiến lược cho tăng trưởng trong những quý còn lại.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh nhờ sự bùng nổ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Động lực tăng trưởng tiêu dùng cũng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đối với chính sách tiền tệ, việc phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.

Đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, ngày 12/2/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 192/2025/QH15 bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Nghị quyết điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu khác như: Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng hơn 500 tỷ đô-la, GDP bình quân đầu người khoảng hơn 5.000 đô-la, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.

Theo TÔ HÀ (Nhân dân)