Triển khai quyết liệt
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, từ khi triển khai thực hiện Đề án 06/CP, lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp để cấp căn cước công dân (CCCD) cho 100% công dân trên địa bàn đủ điều kiện được cấp theo quy định, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung, yêu cầu, ý nghĩa, tiện ích, thuận lợi của Đề án 06/CP để nâng cao nhận thức, hiểu biết, chủ động, tự giác thực hiện, vận động, khuyến khích người dân, DN thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử bằng nhiều hình thức, biện pháp, nội dung cụ thể, thiết thực. Chú trọng triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Hỗ trợ người dân kích hoạt định danh điện tử
Tập trung 5 nhóm tiện ích
“Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06/CP, năm 2024, An Giang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 5 nhóm tiện ích tại Đề án 06/CP, gồm: Phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết.
Về phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sẽ thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác, kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC điện tử thuộc hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. Tiếp tục đổi mới cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC…
“Lực lượng công an toàn tỉnh tiếp tục rà soát nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin. Thúc đẩy cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là công tác tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng… Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp Sở Tư pháp, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; hướng dẫn người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID”- đại tá Lâm Phước Nguyên cho biết.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang phối hợp Công an tỉnh các đơn vị liên quan triển khai các dịch vụ cho người dân, như: Dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế; nghiên cứu cấp “Tài khoản an sinh xã hội” gắn với số định danh cá nhân của mỗi người dân Việt Nam, cung cấp trên ứng dụng VNeID.
Về phục vụ phát triển KTXH, tiếp tục triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển KTXH theo các lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, thuế và các lĩnh vực khác. Triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận được với nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tội phạm “tín dụng đen”. Hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển KTXH. Về phục vụ công dân số, Công an tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử thường xuyên đối với công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Đảm bảo hiệu quả, an toàn
“Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải xác định việc thực hiện Đề án 06/CP là nhiệm vụ trọng tâm, tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn thông tin; thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo và hình thức trong quá trình thực hiện.
Việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình, thời gian theo quy định; quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ngành, địa phương... Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết quả thực hiện Đề án 06/CP, nhất là các tiện ích người dân, DN được hưởng dưới nhiều hình thức (pa-nô, áp-phích, video hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công tại bộ phận một cửa...). Tạo QRcode để người dân truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh, dịch vụ công...
THU THẢO