An Giang: Doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động

29/03/2021 - 02:29

 - Để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp (DN) đã chuyển hướng tìm kiếm đối tác, thị trường mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, các công ty liên tục tuyển thêm số lượng lớn lao động để đáp ứng nhu cầu mở rộng nhà xưởng theo kế hoạch phát triển năm 2021. Nhiều vị trí tuyển dụng đang mở ra cơ hội việc làm cho lao động trong tỉnh, nhất là lao động phổ thông có thể lựa chọn vào làm các công ty ngành hàng may mặc ở khu công nghiệp.

Người xin việc đến đăng ký và phỏng vấn tuyển dụng ở các công ty. Ảnh: MỸ HẠNH

Theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang, nhu cầu tuyển dụng của các công ty trong khu công nghiệp hiện nay khoảng 8.500 lao động, chủ yếu tập trung tại Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành). Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các công ty liên tục đăng tải các thông tin và phỏng vấn tuyển dụng hàng ngày, tuy nhiên đến nay vẫn chưa đủ số lượng so với nhu cầu thực tế của công ty. Điển hình như Công ty TNHH An Giang Samho là DN ngành hàng may mặc có vốn đầu tư Hàn Quốc 100%. Mỗi ngày công ty tuyển dụng thành công khoảng 60 người vào vị trí công nhân may mặc.

Giám đốc nhân sự Kim Chul-ha cho biết, công ty hiện nhận được đơn hàng khá nhiều và nhu cầu tuyển dụng tương đối cao, chỉ lo không đủ người sản xuất nên cần thêm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng để thông tin rộng rãi, hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn lao động. Riêng năm nay, công ty sẽ tuyển khoảng 3.000 lao động vào làm việc ở nhà xưởng mới, ngoài công nhân may, còn tuyển lao động ở các bộ phận: phối hàng cắt, đóng gói, thợ máy, thợ hàn… Để thu hút lao động hiệu quả hơn, công ty sẽ có thưởng cho người giới thiệu hồ sơ, công nhân cũ quay trở lại và công nhân mới.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH may mặc Lu An (vốn đầu tư Trung Quốc) cho biết, năm nay công nhân trở lại làm việc sau Tết đạt 100%. Điều này rất phấn khởi và là tín hiệu khả quan nhất trong tất cả các năm qua. Theo kế hoạch, năm nay công ty mở rộng nhà xưởng thứ 2, tuyển dụng thêm khoảng 2.500 lao động. Để thuận lợi cho người xin việc, công ty ưu tiên cho họ đăng ký trước, sau khi phỏng vấn đạt mới tiếp nhận hồ sơ. Điều này sẽ tiện cho người đi xin việc, vì không phải tốn thêm bộ hồ sơ nếu đi xin việc nơi khác và tránh mất thời gian của cả đôi bên.

Giám đốc Công ty TNHH may mặc Lu An Shang Gang chia sẻ, qua thời gian làm ở đây, ông nhận thấy công nhân vùng nông thôn thường có xu hướng muốn thử sức ở các tỉnh, thành phố khác hơn là làm trong tỉnh. Vì vậy, khâu tuyển dụng có phần khó khăn. Như các DN khác, Lu An đang sử dụng nhiều biện pháp để thông tin rộng rãi tuyển dụng, kể cả thông báo trong công nhân để giới thiệu người quen của họ.

Công ty TNHH NV Apparel cũng đang tuyển số lượng lớn công nhân may. Ở vị trí này, tính tổng thu nhập hàng tháng từ 5-6 triệu đồng/người kèm theo các chế độ, chính sách theo quy định pháp luật. Công ty thông báo vẫn liên tục nhận hồ sơ và phỏng vấn tuyển dụng hàng ngày cho đến khi đủ số lượng. Đại diện công ty cho biết, sau thời gian khó khăn, hiện nay đã ổn định sản xuất và duy trì việc làm của lao động. Nếu số lượng công nhân tuyển không đủ, công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất năm cho phù hợp.

Tại thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn), lao động có thể tìm việc làm ở nhà máy giày thuộc Công ty Cổ phần TBS An Giang, hiện đang tuyển 3.000 công nhân, thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng và cam kết người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm, ốm đau, thai sản… Các công ty đang nỗ lực nhiều cách để thông tin đến bên ngoài về nhu cầu tuyển dụng, như: phát tờ rơi, thông báo trên mạng, hệ thống truyền thanh địa phương. Đồng thời, kiến nghị ngành chức năng tỉnh và địa phương cùng hỗ trợ, thậm chí sẵn sàng nhận công nhân không có tay nghề và sẽ đào tạo từ đầu.

Quý I-2021, đoàn các cơ quan chức năng của tỉnh đã đến khảo sát tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty và việc làm, thu nhập của người lao động, tập trung nhất ở các công ty có đông công nhân. Hầu hết DN cho biết, dù hàng loạt đối tác lớn giảm đơn hàng, nhưng DN đã tìm mọi phương án để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người lao động (NLĐ). Ngoài bố trí công việc hợp lý để công nhân ở các khâu đều có việc làm, DN còn nỗ lực hết mình duy trì các chế độ phúc lợi để giữ chân NLĐ. Đây là những điều kiện cần thiết để NLĐ lựa chọn, an tâm làm việc và gắn bó với DN.

Phần lớn công ty hoạt động trong tỉnh hiện nay được cơ quan chức năng đánh giá chấp hành tốt pháp luật, chăm lo tích cực vì người lao động với môi trường làm việc đảm bảo an toàn, sạch sẽ; NLĐ được trả lương hợp lý và hỗ trợ thêm tiền ăn, đi lại, tiền chuyên cần, phụ cấp cho người có con nhỏ… Các cơ quan đề nghị DN cung cấp đầy đủ về số lượng tuyển dụng, nhu cầu công việc và tận dụng tối đa các kênh truyền thông, mạng xã hội để thông báo. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn đang phối hợp thông tin đến tận huyện, xã để người dân được biết, góp phần giúp các DN tháo gỡ những khó khăn trong tìm kiếm nguồn lao động.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích