An Giang giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa

18/09/2023 - 06:15

 - Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang các nhiệm kỳ đều xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), nửa nhiệm kỳ qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, những năm qua, công tác xây dựng và phát triển văn hóa ở An Giang luôn được quan tâm. Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch để lãnh, chỉ đạo công tác văn hóa, trọng tâm là các chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò, vị trí của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang được nâng lên.

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ được đổi mới về hình thức và nội dung

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng đơn vị văn hóa đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực. Việc xây dựng văn hóa trong phát triển kinh tế được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Đặc biệt, những đặc trưng, tính cách con người An Giang được nghiên cứu và dần được khẳng định; mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử văn hóa trong xã hội có chuyển biến.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc đạt được kết quả tích cực, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nhận diện, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa An Giang được chú trọng đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá Buông, lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm Châu Phong, nghi lễ vòng đời người Chăm và nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer; 88 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh).

Triển lãm các bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê

“Công tác quản lý và bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện chặt chẽ và dần đi vào nền nếp. Tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích; quan tâm đầu tư tu bổ chống xuống cấp kịp thời các di tích được xếp hạng trong tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 780/KH-UBND, ngày 9/12/2020 về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đầu tư tu bổ cho 25 di tích cấp tỉnh nhằm kịp thời bảo tồn, chống xuống cấp di tích” - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trương Bá Trạng thông tin.

Hệ thống các thiết chế văn hóa được đầu tư và phát huy hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng nhân dân được duy trì. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên địa bàn tỉnh được tổ chức tốt, đổi mới về hình thức và nội dung, ngày càng nâng cao về chất và lượng; tổ chức được nhiều sự kiện, phong trào văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền cổ động, triển lãm, thông tin lưu động, thư viện từ cấp tỉnh đến cơ sở thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ đã góp phần phổ biến các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương. Đồng thời, xây dựng và duy trì sinh hoạt hàng ngàn câu lạc bộ đờn ca tài tử, ca múa, nhạc… tạo sân chơi lành mạnh cho công chúng” - Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang  Nguyễn Khánh Hiệp cho biết.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được củng cố và nâng chất, từng bước đi vào ổn định, nền nếp, chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng được nâng cao. Đồng thời, việc gắn phong trào với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị đã làm cho phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng xã nông thôn mới, diện mạo nông thôn An Giang ngày càng khởi sắc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), nửa nhiệm kỳ còn lại, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh, nhất là ngành VH-TT&DL tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao các giá trị đạo đức xã hội. Khơi dậy truyền thống văn hóa của con người An Giang “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì mục tiêu phát triển bền vững.

 

THU THẢO