An Giang hấp dẫn tiềm năng du lịch

03/12/2018 - 06:41

 - Nhiều năm qua, An Giang tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch; đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp… Tỉnh đang hướng đến các địa điểm được kết nối liên hoàn, hình thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Xuất phát từ TP. Long Xuyên, cửa ngõ ra vào tỉnh An Giang, du khách có thể thưởng thức du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở xã Mỹ Hòa Hưng, tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ngược lên TP. Châu Đốc có miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, làng nuôi cá bè Châu Đốc ở ngã 3 sông Châu Đốc giao với sông Hậu, là điểm hấp dẫn khách du lịch. Châu Đốc có các di tích được xếp hạng cấp quốc gia như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Phước Điền... Thành phố có nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các mặt hàng khô, mắm truyền thống nổi tiếng trong, ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Cao Xuân Bá, thành phố tập trung đầu tư các dự án trọng điểm như: cầu Châu Đốc, đường nối tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, dự án công viên văn hóa núi Sam với tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m, hệ thống cáp treo phục vụ du khách...

Cáp treo núi Cấm

Rẽ qua xứ lụa Tân Châu du khách trong và ngoài nước sẽ bị thu hút từ nét văn hóa đặc sắc làng Chăm Châu Phong. Với mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, đến đây du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác một ngày làm người Chăm, có thể cùng với người dân bản địa ăn uống, sinh hoạt, dệt thổ cẩm hoặc học vài điệu múa Chăm và thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như: tung lò mò, cà ri, bánh bò…

Thăm những ngôi nhà sàn gỗ với lối kiến trúc Nam Bộ, vách lán, ngói đỏ nằm san sát bên bờ sông Hậu. Hay kiến trúc của ngôi thánh đường Mubarak, điểm sinh hoạt tôn giáo của người Chăm theo đạo Hồi... Ngắm những cô gái Chăm miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm truyền thống.

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Về cù lao Giêng (Chợ Mới) tham quan văn hóa di tích, sinh thái cộng đồng, ẩm thực và mua sắm đặc sản, trải nghiệm thế giới sông nước. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Huỳnh Thị Nguyệt Hồng, nơi đây tập trung các công trình kiến trúc tôn giáo, thánh đường, chùa, di tích lịch sử; những công trình văn hóa và mỹ thuật tiêu biểu xứ Nam Bộ và Tây phương. Nơi đây còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Vườn cây trái san sát, thấp thoáng vang vọng những tiếng chuông cổ đặc sắc của nhà thờ cù lao Giêng- ngôi thánh đường cổ đầu tiên ở xứ Nam Kỳ, xây dựng từ năm 1877, kéo dài 12 năm, trước nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh).

Đầu nguồn biên giới An Phú, tới xã Nhơn Hội, ghé làng Chăm tìm hiểu đời sống văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú với nhiều loại bánh, dệt thổ cẩm… Búng Bình Thiên, nơi được mệnh danh là viên ngọc xanh giữa vùng biên giới với mặt hồ mênh mông, xanh mát nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Du khách giao lưu, tìm hiểu văn hóa Chăm kết hợp sinh thái và tham gia các hoạt động như: đánh bắt cá, chèo xuồng…

Hấp dẫn đua bò Bảy Núi

Vào Tịnh Biên khách thăm rừng tràm Trà Sư, núi Cấm, đi cáp treo, đi chợ biên giới Tịnh Biên, Khu du lịch núi Két, hay chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam, xem đua bò. Tịnh Biên vùng đất rất hào sảng về sản phẩm du lịch, bởi nơi đây hội tụ đủ 4 yếu tố, đó là: núi, rừng, sông nước, đồng ruộng của vùng đất bán sơn địa do thiên nhiên ban tặng. Tịnh Biên khai thác địa hình có nhiều núi non, hướng đến các dịch vụ tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, tham quan vườn cây trái thoáng mát, dã ngoại, lữ hành. Tịnh Biên khai thác tiềm năng và lợi thế các đường vành đai tuyến kết nối với các tour, tuyến của tỉnh, liên tỉnh và các tour du lịch xuyên Á, nhất là tuyến du lịch sang Campuchia.

Sau đó khách tiếp tục đến huyện Tri Tôn thăm lại Khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc, đồi Tức Dụp, Ô Tà Sóc. Từ đây, du khách có thể sang TP. Hà Tiên (Kiên Giang) tắm biển, hay quay về Thoại Sơn tìm hiểu di tích văn hóa cổ Óc Eo.

An Giang còn hội tụ kiến trúc nghệ thuật huyền bí của 65 chùa văn hóa Khmer, 12 thánh đường Hồi giáo Chăm trải đều tại 7 huyện, thị xã trong tỉnh. Tại các điểm du lịch TP. Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, TX. Tân Châu, Chợ Mới... còn có những đặc sản, làng nghề truyền thống độc đáo để du khách làm quà cho người thân và bạn bè như: đường thốt nốt, khô mắm, sản phẩm vải thổ cẩm đặc trưng của đồng bào Chăm, Khmer...

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, An Giang thu hút khách nội địa đến từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL. 10 thị trường khách quốc tế đông nhất đến An Giang là: Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc, Ý, Phần Lan, Bỉ, Đan Mạch. Lượng khách du lịch đến An Giang năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014 đón 6 triệu lượt, doanh thu đạt 1.239 tỷ đồng; năm 2015 đón 6,2 triệu lượt, doanh thu đạt 1.520 tỷ đồng; năm 2017 đón 7,3 triệu lượt, doanh thu đạt 3.700 tỷ đồng; ước năm 2018, An Giang đón hơn 8,5 triệu lượt, doanh thu ước đạt 4.800 tỷ đồng

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU