An Giang hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

20/10/2022 - 07:14

 - Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động tìm kiếm, lựa chọn, áp dụng các nền tảng công nghệ số vào SXKD. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ số đã góp phần nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh và tiết kiệm chi phí vận hành...

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và VNPT An Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, giai đoạn 2022-2025

Doanh nghiệp dần tiếp cận công nghệ số

Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN, trong đó có việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, SXKD. Bên cạnh đó, các DN chủ động thực hiện các biện pháp chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí sản xuất. Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát như năm 2021, chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp nhiều DN duy trì SXKD.

Hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đường thủy sang Vương quốc Campuchia, dịch vụ chăm sóc xe hơi và du lịch, Công ty TNHH MTV Gogo Travel hiện đang áp dụng nhiều nền tảng công nghệ số trong quản lý. Anh Đinh Minh Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH MTV Gogo Travel) cho biết, ứng dụng công nghệ số đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp việc quản lý công ty được dễ dàng, tiện lợi hơn.

Theo anh Tuấn, nếu như trước đây, các hóa đơn, chứng từ sau khi ký kết phải gửi xe hoặc bưu điện đến trực tiếp các đối tác thì hiện nay, nhờ sử dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số đã rút ngắn thời gian cho công việc này. Đối với dịch vụ du lịch, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc đi lại của người dân bị hạn chế, do vậy, DN không thể trực tiếp gặp khách hàng. Thay vào đó, đơn vị sẽ gửi thông tin về tour, tuyến du lịch cho khách hàng lựa chọn, khi đã đồng ý sẽ tiến hành giao dịch trên nền tảng số mà không cần phải gặp mặt.

Còn đối với dịch vụ chăm sóc xe ôtô, khách hàng có nhu cầu chăm sóc xe chỉ cần liên hệ, công ty sẽ cử người đến làm dịch vụ. Chi phí sử dụng dịch vụ được chuyển qua hệ thống internet banking, mà không cần phải giao dịch trực tiếp. “Đây là những lợi ích mà chuyển đổi số đã mang lại cho chúng tôi. Nhờ áp dụng công nghệ số đã giúp hoạt động thuận lợi, dễ dàng hơn, tiếp cận nhanh hơn với nhiều đối tượng khách hàng” - anh Tuấn chia sẻ.

Hiện nay, các DN đã bắt đầu làm quen, áp dụng các nền tảng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, SXKD và đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc chuyển đổi số hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, mới chỉ dừng ở mức cơ bản, như: Tiếp thị, bán hàng trực tuyến, sử dụng phần mềm kế toán... ít có đơn vị chuyển đổi số một cách toàn diện. Một số DN còn có tâm lý sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực về con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin…

Hỗ trợ chuyển đổi số

Tại Hội nghị chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ, do Hiệp hội DN tỉnh phối hợp VNPT An Giang vừa được tổ chức, VNPT An Giang đã giới thiệu các hệ sinh thái số với nhiều giải pháp nâng cao năng suất lao động, quản trị nội bộ. Trong đó có thể kể đến, như: Quản trị tổng thể DN-VNPT One Business, chữ ký số-VNPT CA, ký số từ xa-VNPT SmartCA, hóa đơn điện tử-VNPT Invoice, hợp đồng điện tử-VNPT eContract, kế toán doanh nghiệp-VNPT ASME…

Các giải pháp quản lý nhà hàng, khách sạn, như: Quản lý nhà hàng-VNPT eZozo, quản lý chuỗi cửa hàng-VNPT Posio… giải pháp quản lý nông nghiệp, như: Truy xuất nguồn gốc-VNPT Check; sàn thương mại điện tử. Các dịch vụ cung cấp hạ tầng số, như: Máy chủ ảo-VNPT Cloud, tên miền, web hosting, website cho DN, thanh toán không dùng tiền mặt-VNPT Money…

Các hệ sinh thái được xây dựng dựa trên nền tảng điện toán đám mây nên không đòi hỏi DN phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực quản lý… Không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, các giải pháp còn mở ra những cơ hội tiếp cận khách hàng trên toàn cầu, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, tăng trưởng doanh thu đối với các mô hình kinh doanh mới… Hiện nay, tỉnh An Giang có hơn 7.000 DN, chủ yếu là vừa và nhỏ, nguồn lực còn nhiều hạn chế, việc chuyển đổi số cần xác định hướng đi cụ thể, phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị Hiệp hội DN tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hội viên và các DN trên địa bàn tỉnh; có giải pháp thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp về chuyển đổi số, hình thành DN số; hiến kế, đóng góp sáng kiến, cách làm hay giúp tỉnh phát triển kinh tế số. Đồng thời, mong muốn các DN xem việc chuyển đổi số là động lực thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và tạo ra các giá trị mới. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu, thực trạng của các DN về tình hình chuyển đổi số; tìm hiểu và phân tích những khó khăn, để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp...

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích